Gạo Ấn Độ ồ ạt vào Việt Nam, Bộ Công Thương kiểm tra 5 doanh nghiệp xuất nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra 5 công ty có lượng gạo nhập khẩu nhiều từ Ấn Độ
Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra 5 công ty có lượng gạo nhập khẩu nhiều từ Ấn Độ
TPO - Bộ Công Thương vừa có quyết định lập đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu gạo với 5 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến.

Theo quyết định được Bộ Công Thương đưa ra, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu được giao làm trưởng đoàn kiểm tra. Các thành viên còn lại trong đoàn gồm đại diện Vụ Pháp chế; Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Phòng Xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu).

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với các đơn vị có liên quan về tình hình xuất nhập khẩu gạo hàng hóa phục vụ công tác quản lý, điều hành xuất nhập khẩu gạo theo Nghị định 107 và Nghị định 69 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Các doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra phối hợp, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các giấy tờ, tài liệu, thông tin theo yêu cầu của đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của những thông tin, tài liệu đã cung cấp. Trong đó, bao gồm các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo từ Ấn Độ của doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 22/6, Cục Xuất nhập khẩu đã có công văn gửi các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Theo đó, để phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo chống gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu đã yêu cầu các công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ phối hợp cung cấp các thông tin về tình hình nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ, tồn kho gạo Ấn Độ của công ty và gửi báo cáo về Bộ Công Thương.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2019 trở về trước, trung bình mỗi năm, gạo Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 500 tấn đến vài nghìn tấn. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã bất ngờ nhập khẩu 46.700 tấn gạo từ thị trường Ấn Độ, tăng hơn 9,5 lần so với năm 2019 và xu hướng tăng này đang tiếp diễn từ đầu năm đếm nay.

Cùng với gạo nhập khẩu từ Ấn Độ tăng mạnh, mới đây Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tạm giữ hàng chục container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam của một doanh nghiệp tại Hà Nội (đăng ký làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái). Đáng nói là dù tờ khai hải quan của lô hàng này có xuất xứ Ấn Độ nhưng trên bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ từ lô hàng gạo xuất khẩu thuộc tờ khai số 3038... Theo khai báo của doanh nghiệp này, lô gạo xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhưng qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ.

Tuy vậy, trên thực tế theo thống kê Hải quan, kể từ đầu năm 2021 tới tháng 4/2021 đã có trên 180.000 tấn các loại được nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam.

Sở dĩ gạo nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam có xu hướng tăng được nhiều doanh nghiệp lý giải là do theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).

MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.