Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu hơn 605,4 nghìn tấn gạo, tăng 3,8%, với trị giá gần 378 triệu USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu 166.000 tấn gạo sang Indonesia, đạt 101,4 triệu USD, gấp 53 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 62,7 triệu USD và Trung Quốc đạt 43,7 triệu USD.
Theo đó, Indonesia chính thức vượt qua Philippines và Trung Quốc, trở thành khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong tháng 9 vừa qua.
Tính đến hết tháng 9, Việt Nam xuất khẩu gần 6,42 triệu tấn gạo, tăng gần 20% về lượng, với trị giá đạt 3,54 tỷ USD, tăng gần 36%.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai với kim ngạch đạt 495,8 triệu USD, tăng mạnh 55,2%.
Xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến lập kỷ lục cao nhất trong 11 năm trong năm nay. |
Xếp thứ 3 là Indonesia khi giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 462,6 triệu USD, tăng gần 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng hơn 106 lần và Chile hơn 22 lần.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, giá xuất khẩu gạo bình quân của nước ta trong 9 tháng đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn. Con số này đưa gạo Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây, và duy trì vị trí cao nhất thế giới.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 3 quý, cả nước gieo cấy được 6,8 triệu ha lúa, sản lượng thu hoạch 33,6 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến cả năm 2023, sản lượng lúa đạt được từ 43-43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 - 700 nghìn tấn so 2022, vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch của ngành nông nghiệp đề ra từ đầu năm .
Trong 3 tháng cuối năm, dự kiến sẽ thu hoạch gần 10 triệu tấn lúa mùa và vụ thu đông, tương đương với hơn 5 triệu tấn gạo. Với sản lượng này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vẫn còn dư khoảng 1,5 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu.
Để nắm bắt cơ hội tăng xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đã tăng cường các giải pháp ổn định năng suất, chất lượng lúa gạo, trong đó tăng diện tích trồng lúa vụ thu đông thêm 50.000ha.
Bộ sẽ chỉ đạo Cục Trồng trọt theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 để đảm bảo có lúa gạo thu hoạch liên tục để phục vụ xuất khẩu đầu năm 2024.