Từ ì ạch đến phản ứng mau lẹ
Việt Nam từng đứng trước nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Còn nhớ năm 2008, khi thế giới bước vào cơn chao đảo thiếu lương thực trầm trọng, các nước nhập khẩu gạo đều rất lo. Thời điểm đó, giá gạo vào khoảng 350 USD/tấn, nhưng khách hàng lớn nhất của Việt Nam là Philippines sẵn lòng mua với giá 800 USD/tấn. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và cả các bộ ngành dự báo giá gạo sẽ tiếp tục tăng cao hơn, và xuất phát từ lo sợ thiếu gạo nên đã ra quyết định cấm xuất khẩu. Quyết sách này giúp Thái Lan “một mình một chợ” tận dụng cơ hội có một không hai, bán gạo với giá 800-900 USD/tấn, thậm chí hơn 1.000 USD/tấn.
Vào năm 2020, tình thế lặp lại một lần nữa. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu lương thực trên thế giới tăng vọt. Người dân và DN hồ hởi vì cơ hội tiếp tục được trao tay nhưng niềm vui chưa kịp hưởng, Bộ Công Thương lại ban hành một quyết định lạ lùng khi cấm xuất khẩu gạo khiến DN và người dân đều hụt hẫng. Lý do được bộ này đưa ra là đảm bảo an ninh lương thực. Tuy vậy, sau khi đánh giá và khảo sát kỹ nguồn cung từ DN, bộ này nhận thấy lúa gạo còn rất dồi dào nên đã dỡ bỏ lệnh cấm. Hệ quả là cơ hội “vàng” một lần nữa tuột mất.
Việc xuất khẩu gạo gặp thiên thời hiện nay là cơ hội để ngành lúa gạo tái cấu trúc, tăng liên kết hướng đến phát triển bền vững |
Nhớ lại thời điểm đó, ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, DN thiệt hại rất lớn. Hàng hóa đã đóng bao, in nhãn mác, đóng container đưa ra cảng chuẩn bị xuất khẩu rồi nhưng phải nằm tê liệt ở đó. Hợp đồng đã ký với đối tác không giao được phải đền bù, ảnh hưởng đến uy tín của DN. Giá lúa lúc đó lập tức giảm xuống sau lệnh cấm và từ chỗ hưởng lợi, người nông dân lại chịu thiệt.
“Trong tương lai, khi chúng ta xây dựng 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, muốn giá bán cao mà với cách vận hành cũ, làm ăn xổi chắc chắn sẽ không bền. Giữa các mắt xích phải cùng thắng và hài hòa lợi ích, ngành lúa gạo mới có thể thay đổi, chuyển từ lượng sang chất”.
GS. TS Võ Tòng Xuân
Năm nay, trước tình hình nhu cầu lương thực trên thế giới tăng cao, đặc biệt, một số nước như Ấn Độ, Nga, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) thông báo cấm xuất khẩu gạo, khác với sự thận trọng những lần trước, Bộ Công Thương đã tuyên bố khẩn trương tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng.
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cũng khẳng định rất nhanh, cần tăng tốc xuất khẩu để không thể bỏ lỡ cơ hội. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các địa phương tăng thêm diện tích lúa vụ Thu Đông thêm 50.000 ha và chuẩn bị kỹ cho vụ Đông Xuân để đảm bảo cung ứng nguồn cung. Thủ tướng cũng rất sốt ruột khi chỉ trong vòng 1 tháng đã ban hành liên tục hàng loạt công điện và chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo năm nay dự báo lập kỷ lục trong vòng 11 năm |
Các DN đánh giá cao sự phản ứng nhanh nhạy của các bộ, ngành trước cơ hội của ngành gạo hiện nay |
Chia sẻ với Tiền Phong, nhiều DN đánh giá cao sự chuyển biến tích cực và phản ứng của các bộ, ngành và Chính phủ giúp các DN được đà xông lên, tăng xuất khẩu trong bối cảnh tình hình thương mại ảm đạm. Các chuyên gia còn tính toán, riêng chỉ cần tận dụng cơ hội lúa gạo trong năm nay, chúng ta đã có thêm 500 triệu USD, bằng số tiền mà Ngân hàng thế giới cho Việt Nam vay để thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.
Hướng đến ngành công nghiệp lúa gạo bài bản
Một thực tế đáng buồn ở Việt Nam là đến nay mới chỉ có khoảng 10% diện tích lúa trên cả nước có liên kết giữa nông dân với DN. Trước nay, DN nào chú trọng vào công tác liên kết, thời điểm này không lo giá gạo nguyên liệu tăng, và tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu. Còn những DN ăn đong, ký được hợp đồng rồi mới đi gom hàng, thời điểm này không dám mua gạo bởi giá nguyên liệu trong nước tăng nhanh hơn giá xuất khẩu khiến DN có thể thua lỗ, phá vỡ cam kết hợp đồng và mất uy tín với khách hàng.
Bộ NN&PTNT đang chạy nước rút để thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và sẽ trình Thủ tướng ban hành trong năm nay. Đây được xem là bản kế hoạch đầy tham vọng của ngành nông nghiệp để “lột xác” ngành lúa gạo sau nhiều năm chạy theo sản lượng.
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, đây là lúc DN, Nhà nước và nông dân cần hợp tác chặt chẽ với nhau để tăng uy tín, chất lượng gạo Việt Nam. Các DN cần ngồi lại với chính quyền địa phương thuyết phục nông dân khoanh vùng trồng lúa theo đúng quy trình, chất lượng, từ đó hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nguyên liệu một cách đồng nhất, có thể truy xuất nguồn gốc để cung cấp gạo cho DN. Với người nông dân, họ cũng cần từ bỏ cách làm ăn manh mún, tùy tiện để hướng đến việc hợp tác với DN để tạo được sự ổn định lâu dài.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, trong 9 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tin vui cho cả DN và người nông dân.
Tuy nhiên, việc cần làm lúc này chính là quy hoạch lại vùng trồng lúa để đảm bảo sản lượng một năm phải đạt 42 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn. Đặc biệt, cần đầu tư hệ thống cảng biển, vận tải bởi chi phí logistics của Việt Nam hiện cao hơn từ 17 – 20%, thậm chí gấp đôi so với các nước tiên tiến. Đây chính là nguyên nhân làm giảm năng lực cạnh tranh, một rào cản vô hình đối với lúa gạo xuất khẩu.
“Hiện nay các kho cảng của nước ta còn rất ít, thậm chí có tình trạng làm cảng rồi nhưng không có đường ra cảng. Chính vì vậy, Việt Nam nên phát triển những phương tiện vận chuyển hiệu quả như đường biển, đường sắt và hoàn thiện chuỗi sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho tới hệ thống kho bãi, cảng biển xuất khẩu. Nghĩ xa hơn, chúng ta có thể tạo nên một nền công nghiệp xuất khẩu gạo. Thậm chí, biến Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu gạo của thế giới…”. Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội
Mách chiêu để gạo Việt thâm nhập sâu hơn vào Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, trong các tháng cuối năm 2023, thị trường Anh dự báo thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo. Nếu DN Việt Nam tích cực tiếp thị một cách chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh, trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á, vốn chiếm một lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm.