Lạ lùng kỹ thuật khối C, Kiến trúc khối A: Trò PR để 'vét' thí sinh

Thí sinh cần thận trọng trước thông tin xét tuyển tổ hợp “trái chân” của các trường. Ảnh: Nghiêm Huê.
Thí sinh cần thận trọng trước thông tin xét tuyển tổ hợp “trái chân” của các trường. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Như Tiền Phong phản ánh, năm nay một số trường đã đưa “tổ hợp lạ” vào tuyển sinh. Theo đó, những ngành kỹ thuật như Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật xây dựng... lại tuyển sinh cả khối C, còn ngành kiến trúc lại tuyển sinh cả khối A. Nhiều chuyên gia giáo dục bất bình với cách tuyển sinh vô lối này, và nhận định đây có thể là chiêu trò PR hoặc “vét cho sạch” bằng mọi giá.

Khi thấy thông tin ngành kế toán, Tài chính ngân hàng cũng xét tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa, không ít người làm kế toán phải giật mình sửng sốt. Bà Dương Lan Anh, kế toán của một công ty tư nhân tại Hà Nội cho biết trong quá trình được đào tạo tại trường ĐH Lao động Xã hội, ngoài các môn học cơ bản, thì học Toán và kế toán là chủ yếu. Công việc kế toán hiện tại cũng được bà Lan Anh cho biết, 70% liên quan đến toán.

Đứng dưới góc độ nhà tuyển dụng, bà Lê Ngọc Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty Bellsystem24 – Hoa Sao cho biết, đối với ngành kế toán và Tài chính ngân hàng, khi tuyển dụng, sẽ test tư duy về toán đối với các ứng viên.

Là một chuyên gia từng đào tạo về tài chính ngân hàng, ông Trần Mạnh Dũng cho biết trong đào tạo, nếu như khối ngành kỹ thuật, Toán coi là khó và nặng ở mức độ 1 thì các ngành kinh tế như Kế toán và Tài chính ngân hàng, toán cũng phải ở mức 2. Chính vì vậy, những trường chuyên về kinh tế không xét tuyển tổ hợp xã hội vào nhóm ngành này. Trong khi đó, các ngành xã hội, nhiều trường, sinh viên không phải học Toán. Nếu không có kiến thức cơ sở về toán các em không thể học được.

“Một điều chắc chắn đầu vào có thể cao nhưng chất lượng đào tạo không thể ngon lành. Vì cái gì cũng phải có gốc, có năng lực tư duy. Tuy nhiên, với những thí sinh thiên về khoa học xã hội, học được hay không vẫn do trường. Các em có thể vẫn học được, vẫn ra được trường nhưng không thực sự giỏi. Điều này sẽ gây lãng phí cho xã hội” – ông Dũng nói.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngành Tài chính ngân hàng của Học viện Ngân hàng sinh viên học 130 tín chỉ. Trong đó, học phần bắt buộc của chương trình Đại cương, sinh viên học 9 tín chỉ về môn Toán (Toán cao cấp, mô hình toán, lý thuyết xác xuất và thống kê toán). Ngoài ra, các môn chuyên ngành liên quan đến toán chiếm khoảng từ 40 – 45 tín chỉ.

Chiêu trò PR hay “tàu vét”?

Chia sẻ về vấn đề này, GS. Đào Trọng Thi cho rằng, các ngành kỹ thuật công nghệ thường yêu cầu cao về các môn khoa học tự nhiên. Cần phải xem trường giải trình cụ thể vấn đề này thế nào. Tuy nhiên, GS. Đào Trọng Thi cũng cho hay trong lịch sử, đã từng có tình trạng một số trường ĐH ngoài công lập cần nguồn tuyển đến mức tuyển cả những thí sinh không đủ tiêu chuẩn đầu vào, thậm chí nếu cho phép, họ sẽ tuyển cả những thí sinh không tốt nghiệp THPT.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT cho rằng quan điểm tuyển sinh của trường là chọn được những thí sinh có tố chất đối với ngành đào tạo để  sau này đi làm cho phù hợp. Ông Tùng cũng cho biết, trong đào tạo công nghệ thông tin trường yêu cầu phải có môn toán. “Nếu môn toán của sinh viên ổn thì sẽ yên tâm với tư duy chặt chẽ, logic” – ông Tùng khẳng định. Chính vì vậy nên ngành CNTT chắc chắn trường ĐH FPT sẽ không xét tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa hay Văn, Sử, Giáo dục công dân.

Ông Tùng cho rằng  các trường thông báo thế nhưng chưa chắc thí sinh đã lựa chọn.  Vì vậy đây có thể chỉ là chiêu trò PR của một số trường để thí sinh biết tên.

Còn ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng hiện nay các trường ĐH đã được tự chủ. Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn dựa trên nghiên cứu cơ sở khoa học các môn thi để các trường và thí sinh có thể lựa chọn hiệu quả. 

Bộ cần có nghiên cứu hoặc chỉ đạo các trường ĐH nghiên cứu, công bố xem các môn thi đó đo được những năng lực gì của người học, để người học có thể định hướng được chọn trường, chọn ngành để học. Hiện trường ĐH tuyển sinh các ngành giống nhau nhưng tổ hợp xét tuyển các môn khác nhau cho thấy sự lộn xộn, xã hội khó hiểu và mất kiểm soát. Còn nếu xét tuyển không có cơ sở khoa học mà chỉ cố gắng “vét” bằng hết thị phần  thì có thể gây khó khăn cho người học sau này.

Các trường cũng cần suy nghĩ về vấn đề thu hút thí sinh bằng mọi cách, nhưng để học được và ra trường làm được việc là trách nhiệm giải trình của nhà trường trước xã hội.  Vì thực tế, có thí sinh chỉ muốn vào ĐH mà thiếu thông tin và vì thế nên tư vấn cho các em trên cơ sở tham chiếu đến chuẩn đầu ra,  nội dung học cũng như yêu cầu nghề nghiệp tương lai để có sự lựa chọn hợp lý nhất.

“Việc các trường mở rộng tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học có thể nằm trong động cơ tài chính “bắt nhầm còn hơn bỏ sót” trong tuyển sinh hơn là vì lợi ích của thí sinh” – ông Vinh nói. 

“Việc các trường mở rộng tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học có thể nằm trong động cơ tài chính “bắt nhầm còn hơn bỏ sót” trong tuyển sinh hơn là vì lợi ích của thí sinh” 

 Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT

MỚI - NÓNG