3 năm mày mò thử nghiệm
Sản phẩm “chắp tay vái Phật” là trái bưởi Năm Roi không hạt được một công ty áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại tạo hình 3D. Trên thân quả có hình 2 bàn tay ốp vào. Khi quả được 1,5-2 tháng tuổi, phần trên thân chưa hiện bình thanh tịnh, nhưng từ tháng thứ 3 trở đi, hình dáng chiếc bình hiện ra ngày càng rõ.
Để tạo ra loại bưởi có hình dáng bàn tay Phật, nhà sản xuất đã mất 3 năm đầu tư, nghiên cứu và thử nghiệm. Sau mỗi lần thất bại, người trồng lại phải kiên nhẫn đợi mùa bưởi tới, tức 6 tháng sau, mới có thể thử nghiệm lại. Hầu hết công nghệ, khuôn tại hình loại bưởi này đều nhập từ Thái Lan với giá thành tương đối cao.
Gần như 100% quả bưởi đều có chung một mẫu, trọng lượng và màu sắc như nhau.
Dịp Tết âm lịch năm nay, công ty này sẽ ra mắt thị trường những sản phẩm đầu tiên. Hiện mặt hàng này chưa bán mà mới cúng tiến tới 8 chùa, gồm các chùa Vĩnh Nghiêm, Phổ Quang, Đại Giát, Ngọc Hoàng ở phía Nam; Quán Sứ, phủ Tây Hồ, đình Ứng Thiên, chùa Phúc Khánh ở Hà Nội.
Dự kiến, giá bán bưởi dịp Tết sẽ được công bố vào ngày 20/12 tới. Khoảng 1.000 tới 3.000 quả bưởi được bán ra dịp này. Tuy nhiên, nhà sản xuất cũng khẳng định, số lượng bưởi lễ ít nên giá sẽ rất khác so với sản xuất đại trà.
Các nhà vườn đã lên kế hoạch từ tháng 7/2015, bưởi lễ sẽ được bán hàng ngày tại hầu hết thị trường, mức giá khi đó chỉ cạnh tranh với giá quả Phật thủ. Trung bình mỗi năm, sẽ có từ 200.000 tới 400.000 trái bưởi lễ được tung ra thị trường. Đây là mức giá nhiều người có thể tiếp cận được và để ngăn chặn tình trạng “ăn cắp” mẫu hoặc cho ra sản phẩm có hình dáng tương tự, gây nhầm lẫn.
Đại diện nhà vườn sản xuất, bà Trần Thị Ngọc Loan cho biết, do sản xuất số lượng lớn, dự kiến từ năm 2015 sẽ bán vào các ngày 25 âm lịch hàng tháng nên công ty không có một vùng sản xuất tập trung. Hiện loại bưởi lễ này được trồng tại 4 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, với tổng diện tích 160ha. Các vườn bưởi đều có diện tích trên 1ha, chủ nhân có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc loại quả này.
Trái bưởi có hình bàn tay Phật rất mềm mại.
Độc, đẹp, ngon, sạch, giá bình dân
Độc là điều đầu tiên dễ thấy ở bưởi bàn tay Phật. So với bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng, dưa vuông... thì việc tạo hình 2 bàn tay có thể là cầu kì, yêu cầu tính kĩ thuật hơn rất nhiều. Hiện trên thị trường, đây là sản phẩm duy nhất có hình này.
Ngon là điều hiếm thấy ở các sản phẩm chú trọng vỏ ngoài. Nhà sản xuất muốn người thụ lộc được ăn trái bưởi Năm Roi không hạt loại một chứ không phải loại “hàng dạt” trên thị trường. Tham vọng của nhà sản xuất là xâm nhập thị trường các nước đạo Phật và xa hơn, đây sẽ là đại sứ thương hiệu, đại diện cho bưởi Việt Nam để xuất khẩu ra toàn thế giới.
Đẹp là điểm nhận xét của nhiều người khi nhìn thấy trái bưởi. Hai bàn tay ốp trên thân quả không hề thô cứng, sắc cạnh theo kiểu công nghiệp mà ngược lại, từng ngón tay mềm mại, phân bố hệt như đôi bàn tay thật. Quả bưởi được bọc ngay từ khi kết trái nên vỏ của nó không có bất cứ tì vết gì. Vỏ khuôn không ngăn ánh sáng mặt trời nên màu xanh mướt, nhẵn, bóng là màu sắc của tất cả các sản phẩm. Khi tung ra thị trường, gần như 100% quả đều có chung một mẫu, trọng lượng và màu sắc như nhau.
Vỏ khuôn không ngăn ánh sáng mặt trời nên màu xanh mướt, nhẵn, bóng là màu sắc của tất cả các sản phẩm.
Giá bình dân là khẳng định của nhà sản xuất khi sản phẩm ra thị trường một cách đại trà. Mặc dù công nghệ tạo dáng hình tay Phật chiếm tới 40% chi phí sản xuất nhưng mức giá bưởi lễ Cát Tường chỉ để cạnh tranh với Phật thủ và nhỉnh hơn giá bưởi Năm Roi.
Sạch cũng là một trong các điều kiện tiên quyết khi tạo ra sản phẩm bưởi lễ có dáng hình bàn tay Phật. Ngay từ khi ra trái, bưởi đã được bọc bằng một nguyên liệu thân thiện tránh sâu, côn trùng và ít bị bệnh. Trên vỏ sản phẩm, nhà sản xuất cam kết “không chất bảo quản”.
Theo nhà sản xuất, hình dáng của bưởi tượng trưng đôi bàn ay nâng niu bình thanh tịnh. Bình này biểu trưng cho lòng từ bi của Bồ Tát, chan chứa tình thương và và làm dịu đi nỗi đau của chúng sanh.