Đến ấp Sơn Lập, xã Vọng Đông (Thoại Sơn, An Giang), hỏi thăm ông Hai Hải (Nguyễn Duy Hải) ai cũng biết, bởi đối với người dân vùng Tứ giác Long Xuyên, lão nông này không chỉ nổi tiếng với niềm đam mê khoa học mà còn là người sở hữu hòn đá có mùi thơm lạ kỳ…
Đưa tay mân mê hòn đá, lão nông Hai Hải khoe “chiến lợi phẩm”: “Hòn đá này rất lạ, nó nặng khoảng 50 ký, nhưng có rất nhiều màu sắc, nào màu đỏ, xám tro, rồi xám nâu…; “trên mình” có rất nhiều vỏ sò, vỏ óc.
Dù “lên bờ” nhiều năm, nhưng đến nay, hòn đá vẫn có mùi thơm lạ. Ban đầu, tôi cứ nghĩ là hòn đá bình thường, nên đem cưa, đục để tạo hình cho đẹp, vậy mà đến khi làm mới phát hiện nó rất xốp, rất dễ cưa nhỏ và có thể tán thành bột”.
Nhớ lại cái duyên làm chủ hòn đá lạ, ông Hải kể: Trong một lần đi sưu tầm dược liệu, tôi mua nó ở Ba Hòn (Kiên Giang), với giá 300 ngàn đồng, định đem về làm hòn non bộ. Thế nhưng, do công việc lu bu, tôi bỏ nó lăn lóc góc ở sân vườn suốt 15 năm, đến nỗi cũng không nhớ sự có mặt của hòn đá. Mãi đến khi đọc được tư liệu về “long diên hương”, thì tôi bắt đầu quan sát, phát hiện những điều kỳ lạ, thú vị từ hòn đá, nên trong suy nghĩ tự hỏi phải chăng đây là hòn đá do san hô hóa thạch (?)”.
Là người đam mê nghiên cứu, lão nông Hai Hải làm "thí nghiệm"... lấy bột được được tán từ hòn đá lạ trộn với mạt cưa của vỏ cây vó bầu, gói lại. Điều kỳ lạ đã xảy ra, vỏ cây vó bầu không hề bị đổi màu, mà vẫn giữ nguyên màu sắc ban đầu (vỏ vó bầu để trong điều kiện bình thường sẽ bị phân hủy).
Hồ hởi về những phát hiện từ hòn đá lạ, lão nông Hai Hải kỳ vọng: “Tôi mong đây không chỉ là san hô hóa thạch, mà còn là “long diên hương". Nếu thật vậy, hòn đá sẽ là một báu vật, bởi theo các kết quả nghiên cứu, san hô hóa thạch có tác dụng kích thích cây trồng, còn “long diên hương” được xem là một loại thuốc quý và được dùng làm chất nền trong nước hoa, có hương thơm giống như xạ hương…”.
Suy nghĩ của lão nông Hai Hóa là vậy, nhưng thật sự ông không dám khẳng định điều gì, bởi từ khi phát hiện những điều kỳ lạ từ hòn đá, ông Hai Hóa chỉ nghiên cứu những “thí nghiệm nhỏ”, nên rất mong được sự chung tay góp sức của các nhà khoa học tìm hiểu những điều bí ấn về “báu vật” của mình.
Những đường vân trên hòn đá