'Lá chắn thép' nơi tuyến đầu chống dịch vùng biên Hà Tĩnh

0:00 / 0:00
0:00
'Lá chắn thép' nơi tuyến đầu chống dịch vùng biên Hà Tĩnh
TPO - Hơn 1 năm nay, kể từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, những người lính biên phòng nơi tuyến đầu Hà Tĩnh trở thành “lá chắn thép” trong phòng dịch. Họ gác lại nỗi niềm riêng để đảm bảo bình yên ở miền biên tổ quốc.

"Lá chắn thép” vùng biên giới

Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những cửa khẩu nhộn nhịp bậc nhất ở miền Trung, nơi giao thương buôn bán giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan. Đây là khu vực được xác định có nhiều “kẽ hở” để kẻ xấu lợi dụng nhập cảnh trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.

Những ngày qua, tại Lào và Thái Lan ghi nhận liên tiếp nhiều ca mắc COVID-19 đã đặt Hà Tĩnh vào địa bàn có nguy cơ cao bị dịch xâm nhập khi hàng ngày rất đông người và phương tiện từ Lào nhập cảnh về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

'Lá chắn thép' nơi tuyến đầu chống dịch vùng biên Hà Tĩnh ảnh 1

Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo được thực hiện giám sát người và phương tiện qua lại chặt chẽ.


Mỗi ngày, tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo có trên 200 lượt người phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu. Trong đó, chủ yếu đối tượng nhập cảnh về nước là lao động từ Lào và Thái Lan trở về. Trước tình hình này, ngành chức năng Hà Tĩnh đã thực hiện công tác siết chặt quản lý đường mòn, lối mở trên khu vực biên giới cửa khẩu.

Từ khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, những người lính biên phòng ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới còn trở thành “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch bệnh nơi tuyến đầu. Trung tuần tháng 3 năm trước, những chiếc lều dã chiến lần lượt được dựng giữa cánh rừng hun hút gió nơi miền biên giới của huyện Hương Sơn.

'Lá chắn thép' nơi tuyến đầu chống dịch vùng biên Hà Tĩnh ảnh 2

Những điểm chốt phòng dịch được đặt ở đường biên chặn người vượt biên trái phép vào nội địa.

Thời gian đó cũng là lúc Đại úy Hoàng Đình Công – BĐBP Hà Tĩnh được tăng cường lên khu vực biên giới để hỗ trợ công tác phòng chống dịch nơi điểm đầu biên giới.

Hơn 365 ngày cắm chốt bảo vệ chống người vượt biên trái phép, không ít lần đại úy Công buồn khi nghĩ đến người thân, nhưng vì nhiệm vụ, nỗi niềm riêng đành phải gác một bên. Với anh, trọng trách lớn nhất hiện tại là đảm bảo biên giới bình yên tổ quốc.

'Lá chắn thép' nơi tuyến đầu chống dịch vùng biên Hà Tĩnh ảnh 3

Các điểm chốt phòng dịch luôn có các cán bộ chiến sĩ thay nhau trực chiến 24/24.

“Những lúc này mọi việc gia đình phải gác một bên, nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ bình yên biên giới, phòng dịch là trên hết. Dịch lây lan nhanh, diễn biến khó lường, nếu lơ là để người nhiễm bệnh lọt qua biên giới thì vô cùng nguy hiểm”, đại úy Công chia sẻ.

Dịch ở Lào gia tăng, Hà Tĩnh siết chặt vùng biên

Thượng úy Võ Anh Tuấn – Trạm trưởng Trạm biên Phòng cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (BĐBP Hà Tĩnh) chia sẻ, trước tình hình Lào xuất hiện nhiều ca bệnh nhiễm dịch COVID-19, công tác quản lý người và phương tiện nhập cảnh vào địa bàn được tăng cường kiểm soát chặt chẽ.

Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo được thành lập 4 chốt kiểm soát và phòng chống dịch với hơn 40 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Những chiến sĩ ở đây có người trẻ, người lớn tuổi, mỗi người một hoàn cảnh, nỗi niềm riêng nhưng cùng chung tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

'Lá chắn thép' nơi tuyến đầu chống dịch vùng biên Hà Tĩnh ảnh 4

Qúa trình tuần tra kiểm soát đường mòn, lối mở ở khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

“Hiện nay dịch tại Lào diễn biến phức tạp, ngoài những phương án chống dịch theo quy định 5K của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã liên hệ Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, lực lượng Hải Quan để thống nhất phương án tiêu độc khử trùng 100% các xe khi chở hàng qua cửa khẩu. Đặc biệt, bắt buộc phải thực hiện biện pháp đổi lái”, Thượng úy Tuấn cho hay.

Trực chiến chống dịch ở vùng biên lúc nào cũng đặt ở trạng thái căng thẳng 24/24 cả ngày lẫn đêm. Những chiếc lán tạm bợ bằng bạt, điều kiện ăn ở, sinh hoạt lại thiếu thốn. Vất vả, khó khăn là thế nhưng các chiến sĩ vẫn luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

'Lá chắn thép' nơi tuyến đầu chống dịch vùng biên Hà Tĩnh ảnh 5

Chó nghiệp vụ được xếp loại vào vũ khí nhóm 1 của lực lượng Bộ đội Biên phòng, được coi là phương tiện chiến đấu hiệu quả trong quá trình tuần tra kiểm soát vùng biên giới.

“Mặc dù công tác phòng chống dịch ở vùng biên giới gặp nhiều khó khăn, nhưng anh em chiến sĩ luôn động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ ngoài bảo vệ an ninh biên giới tổ quốc còn đảm bảo công tác chống dịch nơi tuyến đầu”, Thượng úy Tuấn chia sẻ.

Theo Trạm trưởng Trạm biên Phòng cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (BĐBP Hà Tĩnh), từ 2020 đến nay, lực lượng biên phòng kịp thời ngăn chặn 16 vụ vượt biên trái phép, bắt giữ 22 đối tượng, ngoài ra phát hiện 18 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.

'Lá chắn thép' nơi tuyến đầu chống dịch vùng biên Hà Tĩnh ảnh 6

Đoàn công tác của BĐBP tỉnh đi kiểm tra các điểm chốt làm nhiệm vụ ứng trực tại điểm chốt phòng chống dịch COVD -19 trên tuyến biên giới Việt – Lào.

Không chỉ có ở cửa khẩu Cầu Treo mà tất cả các đồn, trạm biên phòng trên dọc tuyến biên giới dài 164 km đi qua các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê đều đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, quyết tâm ngăn dịch ngay từ biên giới.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Hoàng Trung Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, Tỉnh ủy đã ra công văn chỉ đạo tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

'Lá chắn thép' nơi tuyến đầu chống dịch vùng biên Hà Tĩnh ảnh 7

Chốt chống dịch COVID-19 ở biên giới xã Sơn Hồng được BĐBP Hà Tĩnh xây dựng kiên cố, để phục vụ lâu dài trong công tác phòng chống dịch.

Theo đó, Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia với tinh thần kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh từ nước ngoài, nhất là người từ Campuchia, Lào, Thái Lan về nước.

MỚI - NÓNG
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
TPO - Bộ Công Thương đã kiểm tra đập chính và 8 đập phụ của hồ thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Kiểm tra trực quan đập không có bất thường. Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Thủy điện Thác Bà cần huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệnh vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.