Ngày 12/5, Mỹ bắt đầu đưa tổ hợp phòng thủ tên lửa Aegis offshore với các bệ phóng thẳng đứng Mk 41 vào hoạt động tại Romania và dự kiến tới năm 2018 sẽ đưa tổ hợp tương tự tại Ba Lan đi vào hoạt động. Ngay sau động thái trên của giới chức quân sự Mỹ, nhiều chuyên gia quân sự thế giới đánh giá việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đắt đỏ để chống lại “mục tiêu không tưởng Iran” có thể là bước đi sai lầm và không hiệu quả của Mỹ.
“Điều này sẽ đẩy gánh nặng chi phí phòng thủ châu Âu lên vai Mỹ, trong khi đó nó lại hạ thấp vai trò của Liên minh châu Âu trong vai trò đảm bảo an ninh ở lục địa già. Hơn thế nữa, việc triển khai các tổ hợp phòng thủ tên lửa tại châu Âu là cực kỳ tốn kém, hiệu quả không rõ ràng và chúng có thể sẽ không bao giờ được sử dụng”, chuyên gia phân tích quân sự cao cấp Jason Ditz, thuộc Tạp chí Antiwar.com cho biết.
Việc triển khai Aegis offshore tại Ba Lan thực tế không giúp tăng cường an ninh cho quốc gia Đông Âu này, mà đẩy quốc gia này vào vòng nguy hiểm nếu chiến tranh nổ ra. Theo đánh giá của chuyên gia J. Ditz, Ba Lan sẽ trở thành bình địa ngay từ các đợt tấn công tên lửa đầu tiên từ phía Nga, nếu chiến tranh xảy ra.
“Động thái triển khai tổ hợp phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Ba Lan sẽ “kích hoạt” phản ứng cứng rắn từ phía Nga. Moscow có thể triển khai thêm các tổ hợp tên lửa tấn công tại vùng Kaliningrad, trong đó có tổ hợp Iskander-M, để duy trì cân bằng cán cân quân sự”, chuyên gia J. Ditz đánh giá.
Với các vũ khí tấn công không thể ngăn chặn, Nga có những phương tiện vô hiệu hóa lá chắn tên lửa của Mỹ hiệu quả hơn suy nghĩ của Washington.
“Phản ứng của Nga tỏ ra hiệu quả với chi phí thấp hơn đáng kể so với kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ”, chuyên gia J. Ditz tuyên bố.
Chuyên gia quân sự J. Ditz cho rằng, việc triển khai các tổ hợp Aegis offshore tại châu Âu của Mỹ sẽ đưa Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga vào cuộc chiến tranh lạnh mới không có hồi kết. Việc triển khai Aegis offshore cũng có thể là vô nghĩa khi khả năng xảy ra chiến tranh giữa NATO và Nga là bằng không (0).
Với các tổ hợp tên lửa tấn công chiến thuật Iskander-M đặt tại Kaliningrad, "lá chắn tên lửa" Mỹ tại Ba Lan và nhiều quốc gia châu Âu khác sẽ trở thành "đồ vô dụng".
Tại sao Mỹ muốn triển khai lá chắn tên lửa áp sát biên giới Nga?
Xét về mặt kỹ thuật, Mỹ từng thử nghiệm nhiều loại vũ khí phòng thủ tên lửa, trong đó đặc biệt chú ý tới khả năng ngăn chặn các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn của đối phương.
Trong các pha phóng của ICBM, việc ngăn chặn tên lửa ở pha giữa và pha cuối (khi các đầu đạn được giải phóng và quay trở lại quỹ đạo Trái đất với tốc độ đạt ngưỡng vũ trụ cấp 1) rất khó khăn và có thể nói gần như bất khả thi. Điều này đã được chứng minh qua các vụ thử nghiệm thất bại của Chương trình NMD.
Mỹ cũng từng theo đuổi chương trình vũ khí phòng thủ tên lửa sử dụng chùm sóng năng lượng cao, đặc biệt là chùm la-de. Tuy nhiên, những trở ngại về kỹ thuật như: Chùm tia la-de mất năng lượng nhanh trong khí quyển, vũ khí la-de cần nguồn cung cấp năng lượng lớn… đã đưa chương trình phát triển vũ khí đầy tham vọng này đổ vỡ.
Trong khi đó, khả năng đánh chặn ICBM của đối phương ở pha phóng đầu tiên và tăng tốc được đánh giá là rất cao do các yếu tố kỹ thuật: Khi rời bệ phóng và tăng tốc, đạn tên lửa đối phương không thể cơ động vì trọng lực. Do pha phóng này chỉ kéo dài trong vài phút, khả năng đánh chặn chỉ phát huy hiệu quả cao khi tổ hợp tên lửa đánh chặn được đặt càng gần mục tiêu, càng tốt.
Với những thành công trong chương trình phòng thủ tên lửa hải quân BMD với hệ thống điều phối hỏa lực trên hạm Aegis kết hợp cùng đạn tên lửa đánh chặn SM-2, SM-3 đánh chặn các mục tiêu ở tầng quỹ đạo thấp của khí quyển, Mỹ hoàn toàn tự tin về khả năng có thể ngăn chặn tên lửa đạn đạo nếu đặt Aegis offshore ở khoảng cách đủ gần. Lý do ngăn ngừa nguy cơ bị tấn công tên lửa từ Iran chỉ là cái cớ, khi Mỹ càng ngày càng muốn đặt Aegis offshore áp sát biên giới Nga.