GS.TS Phạm Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thay vì mổ mở hay nội soi, các bác sĩ chỉ cần chọc kim, chiếu tia đốt sóng cao tần để triệt nhân bướu cổ. Khi chọc kim vào khối u, dòng điện xoay chiều sẽ truyền từ nguồn đến kim đốt gây nhiệt làm xơ hóa, thu nhỏ dần tổ chức u. Nguyên lý hoạt động tương tự như đốt khối u gan, u tử cung, u phổi… bằng sóng cao tần. Với những trường hợp khối u dạng nang lẫn nhân, bác sĩ sẽ tiêm cồn chọc hút dịch trước khi chiếu tia. Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam triển khai kỹ thuật dùng sóng cao tần để đốt u tuyến giáp. Đến nay các bác sĩ đã triển khai kỹ thuật này cho 20 bệnh nhân bị u bướu cổ với kích cỡ khối u trung bình 3-4 cm, to nhất 5cm. Chi phí cho mỗi ca đốt khối u tại Bệnh viện Bạch Mai hiện khoảng 16-18 triệu đồng, rẻ bằng 1/18 lần so với Hàn Quốc. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang đề xuất để quỹ BHYT chi trả cho kỹ thuật này.
Trước đây, để điều trị u tuyến giáp lành tính, các bác sĩ tiến hành mổ mở hoặc nội soi từ ngực hoặc nách, cắt đi một phần hoặc một bên tuyến giáp. Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Minh Thông, đối với loại bệnh lý mà phụ nữ là đối tượng mắc bệnh nhiều gấp 5 lần nam giới như bướu giáp nhân thì vấn đề sẹo xấu làm nhiều người ngần ngại, chần chừ điều trị. Ngoài ra, khi phẫu thuật, bệnh nhân phải gây mê, nằm viện nhiều ngày, thậm chí có thể có sẹo nếu mổ mở và có tỷ lệ tai biến nhất định như khản tiếng, suy giáp, có thể phải dùng hormone hỗ trợ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam, số người mắc bệnh bướu giáp nhân khu vực miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ 30-40% trong cộng đồng, có nơi lên tới 80%. Trung bình hằng năm có khoảng 115.000 người được khám và chữa bệnh bướu giáp nhân. Bệnh nhân khu vực ĐBSCL chiếm từ 20- 30%. Tỷ lệ này ở vùng đồng bằng phía Bắc thấp hơn, chỉ từ 6 -10%.