Kỳ thị

Kỳ thị
TP - Quảng trường còn chỗ trống đậu xe, xế chiều nhưng nắng vẫn đủ ấm để các quán cà phê bày ghế ra vỉa hè. Nhóm đàn bà gốc Á chúng tôi ríu rít kéo ghế ngồi trong khi anh bồi bàn da trắng đẹp trai sốt ruột chờ phía sau. Bỗng tiếng quát vang lên, tiếng chân ghế dội mạnh xuống nền đá, một ông chồng Tây đuổi theo gã bồi bàn “Thằng thô lậu kia, cẩn thận cái mồm...”.

Chuyện gì thế? Bình tĩnh. Đàn bà xôn xao. “Sang quán khác”, mệnh lệnh các ông chồng ban ra. Maxim giải thích với Hong - cô vợ người Đài Loan đang ngơ ngác “Chính anh cũng nghe rõ gã bồi nói Gọi nhanh lên kẻo các người chẳng còn gì uống đâu”.

Gã bồi bàn chẳng còn đẹp trai trong mắt chúng tôi. Có thể hôm ấy không phải ngày đẹp trời của gã. Hoặc gã phát ngán phục vụ đám người nhập cư ngày càng đông, liến thoắng ngôn ngữ lạ và đi lại vênh vang trên quảng trường cổ kính sang trọng này rồi?

Khi người gốc Á, Phi và Nam Mỹ nhập cư châu Âu, dường như loại vi rút “phân biệt đối xử” cũng nhiễm ngay vào máu, động chạm nhẹ là phát bệnh. Hong quay ra bảo tôi “Con gái nhà này bao năm đi học bạn không biết nó là trẻ lai. Một lần bố bận, mẹ đến trường đón, từ đó nó phàn nàn mãi vì bị bạn gọi là con bé Trung Hoa”.

“Tao không phải người Trung Quốc, tao là người Singapore”, Vanessa hét lên, mụ hàng xóm vẫn giơ ngón tay giữa lên chửi “Mày là người Trung Quốc!”. Tôi chưa kịp hỏi Vanessa tại sao người Singapore thường phản ứng mạnh khi bị dân Âu nhầm với người Trung Quốc, cô trút giận tiếp “Tôi gào lần nữa mà mụ đó vẫn chửi rủa ầm ĩ. Điên ruột quá phải báo cảnh sát. Họ bảo mụ đó đầu óc có vấn đề”. Đừng cho con cái lại gần thứ hàng xóm quái gở này, những người bạn khác nhắc nhở.

Có lần Thư bảo tôi “Chán nhiều bà vợ Việt lấy chồng Tây bên này quá. Ôi, vào facebook của họ mà xem, suốt ngày là lá la cuộc đời nở hoa. Cái gì bên Tây cũng khen, nào lịch sự, nào văn minh, nào tử tế sang trọng. Rồi so sánh, chê bai người Việt thậm tệ. Ngồi nhà trông con chỉ biết một mặt đời sống bên này thôi. Đi làm như em va chạm nhiều đến nỗi cứ thấy người Bỉ là ngán. Con người ở đâu bụng chẳng chứa một bọc chất thải”. Ấy, ngồi nhà tôi cũng có chuyện làm quà. Chả là mẹ chồng Tây của tôi vừa mua chiếc máy giặt đời mới, đảm bảo ít nhất mười năm nữa bà vẫn có thể giặt quần áo giúp con cháu. Ba tháng sau máy bật lên không chạy. Thợ bảo trì đến, hì hục móc ra một búi tóc lớn, hí hửng “Đây bà xem, máy hãng tôi thường vắt gãy, xục bay tóc Âu. Đằng này lại tóc Á, dày dai như cao su, máy nào tải nổi”. Gớm chưa tay thợ người Rumani nhập cư, hắn... kì thị cả sợi tóc.

Chuyện tôi kể không nên sợi tóc chẻ đôi, khó sống. Cũng như chị Fatima da màu làm việc cho một hãng chè quốc tế luôn khẳng định mình là người quốc tế “Quê châu Phi nhưng tôi quốc tịch Pháp, sống ở Anh, lấy chồng Đan Mạch và chuyển sang Bỉ làm việc”. Tôi hỏi “Chị từng bị kì thị chưa?”. Fatima lắc đầu, cười ngất “Chỉ một lần đáng kể. Khi Ulrik đưa tôi về ra mắt gia đình ở Đan Mạch, họ tròn mắt nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi hỏi ngay: Các người ngán tôi da đen? Họ rối rít: Cô hẳn có biệt tài mới chinh phục được Ulrik? Nó chưa bao giờ có bạn gái, cả nhà cứ tưởng đồng tính rồi”.

Tính chiến đấu trong tôi rất kém. Nhờ một nhóm Việt kiều mạnh dạn phản ứng mới biết hóa ra mức phí sứ quán thu trước đây không trùng Bộ Tài chính quy định. “Hương ơi ra ghế ngồi chờ chút nhé. Anh đang kiểm lại giấy tờ cho em”, lần trở lại nhận giấy miễn thị thực cho chồng con này nhân viên sứ quán thật ân cần với tôi. Sống ở châu Âu đắt đỏ, lạm thu một chút cũng được, miễn là luôn chu đáo tận tình với bà con. Tôi hiểu ý Thư. Sự phân biệt đối xử kiểu nào cũng đáng sợ, nhưng tệ hại nhất là chính ta kỳ thị mình.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.