Nói thế, bởi giữa tiết nắng nóng, lên mạng đọc đã thấy Lệ Rơi vào Sài Gòn mở quán bún chả Hà Nội. Quán treo vô số hình ảnh, câu chữ dạng “giả điên khiêng đồ”. Nhưng sốc hơn là việc anh chàng mở hẳn một công ty giải trí, tất bật chạy show, chuẩn bị tung ra album với những bài cover tự úp lên mạng dạo nào. Lại còn làm diễn viên đóng phim chiếu rạp... Đối tác công ty giải trí Lệ Rơi là ai chắc dần sẽ biết. Nhưng thấy báo chí cứ dùng hai chữ “ca sĩ” (nhốt trong ngoặc kép) trước tên Lệ Rơi, thấy cũng… kỳ kỳ! Nghe bảo anh ấy còn ẵm thêm mấy giọng ca bán bàn chải, kẹo kéo nữa cùng nam tiến với mình…
Một ông nhà văn, than thở: Xưa bị “chửi” viết văn kiểu học trò là đau lắm. Còn giờ “văn học trò” làm mưa làm gió, mỗi cuốn in cả chục vạn bản. Nhưng oái oăm là trong nhà trường, học trò lại không biết làm văn! Chả trách khi nghe tin sách ngôn tình, đam mỹ bị dừng xuất bản, nhiều ông nhà văn nhà thơ cứ ngẩn ra, còn không biết “đam mỹ” là thứ gì. Không lẽ phải cần thêm nhiều ông “chủ tịch” nữa đứng ra chọn sách “đổi đời” cho thanh niên Việt?
Tác giả của “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” vừa so bún chả với thơ ở trên là người luôn hướng ngòi bút để tìm ra vẻ đẹp ở những chỗ “không ai ngờ”. Nhưng giờ có tái thế cõi này, chắc ngày nào ông cũng ngã ngửa ra vì bất ngờ.
Thời buổi, không chỉ trong đời sống, mà cả với nghệ thuật, nhiều lúc phải chua chát tự hỏi: Không biết có nên sống, nên tin và thực hành những chuẩn mực tối thiểu, những quy ước căn bản của con người? Hay cứ nghiêm túc chấp hành luật giao thông xếp hàng dừng chờ đèn đỏ nơi ngã tư, để rồi bị những cỗ xe hung thần to như quả núi từ phía sau ào tới nuốt chửng, như vừa xảy ra khiến cả một gia đình 5 người mất mạng?