Kỹ sư trẻ về làng nuôi gà kiếm tiền tỉ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chán cảnh sống ngột ngạt, gò bó ở thành thị, chàng kỹ sư CNTT bỏ Thủ đô về quê lập nghiệp bằng cách chăn gà, nuôi lợn, thả cá, trồng rau. Sau gần 10 năm, anh đã thành ông chủ của 5 nghìn con gà, gần 100 con lợn và ao cá rộng gần 1ha.

Làm giàu trên quê hương

Năm 2009, Nguyễn Việt Phương quê ở xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thi đỗ vào Trường Đại học Phương Đông, khoa CNTT. Sau 4 năm đèn sách, với tấm bằng kỹ sư, Phương xin vào làm kỹ thuật tại một công ty điện tử ở Hà Nội với mức lương ổn định 12 triệu đồng/tháng.

Kỹ sư trẻ về làng nuôi gà kiếm tiền tỉ ảnh 1

Quy mô trang trại gà Tiên Yên của chàng kỹ sư CNTT Nguyễn Việt Phương hiện có 5 nghìn con

Gắn bó với nghề kỹ sư CNTT được gần 1 năm. Chán cảnh sống ngột ngạt, xa nhà, chàng kỹ sư sinh năm 1991 đã quyết định rời Thủ đô trở về miền quê nghèo Tiên Yên khởi nghiệp với đàn gia cầm, vườn rau, ao cá.

“Mỗi người đều có những lựa chọn riêng để trưởng thành. Với mình là quay trở về quê nhà lập nghiệp. Có thể rất nhiều người cho rằng sự lựa chọn này của mình là mạo hiểm, nhưng với mình là quyết định sáng suốt. Đều là kiếm tiền để trang trải cuộc sống, tại sao lại không thể kiếm tiền và làm giàu trên chính quê hương mình”, Phương chia sẻ.

Đầu năm 2016, anh Phương đầu tư vốn nuôi 3 đàn vịt khoảng hơn 2.000 con. Do kinh nghiệm còn hạn chế, giá vịt thấp chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, không tìm được đầu ra, Phương bán đàn vịt chỉ thu về được 2/3 số vốn bỏ ra. Sau thất bại lần đầu, Phương không hề nản chí mà tìm cách thuyết phục gia đình và quyết tâm nghiên cứu thêm về phương pháp chăn nuôi, trồng trọt.

Năm 2020, với nguồn vốn ngân hàng cùng sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, Phương đã xây dựng được trang trại quy mô với trên 5.000 con gà thịt thương phẩm, gần 100 con lợn, gần 30ha rừng keo và bạch đàn, gần 1ha ao thả cá rô phi và hơn 1.000m2 trồng rau su su sạch.

Với tổng thu nhập khoảng 1,3 tỉ đồng/năm, trừ mọi chi phí, anh thu lợi nhuận khoảng hơn 500 triệu đồng. Trang trại của Phương đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 công nhân tùy vào từng thời vụ.

“Mục đích việc phát triển trang trại là để thay đổi suy nghĩ của những người nông thôn. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, mô hình còn kích thích người dân phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Qua đây, tôi cũng muốn khẳng định: muốn làm giàu không nhất thiết phải lên thành phố”, Phương tâm sự.

Để tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy tinh thần và ý tưởng khởi nghiệp trong thế hệ trẻ. Tiêu biểu nhất là việc thành lập và duy trì hiệu quả 13 CLB đầu tư và khởi nghiệp của tỉnh và các địa phương với trên 400 thành viên. Từ hoạt động của các CLB này, nhiều ý tưởng khởi nghiệp làm giàu từ chính quê hương đã được manh nha và trở thành hiện thực, gặt hái "trái ngọt".

MỚI - NÓNG