Kỷ niệm 50 năm nữ tù binh trại giam Phú Tài trở về: Minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 13/10, tỉnh Bình Định tổ chức buổi gặp mặt cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài nhân kỷ niệm 50 năm ngày trở về (1973 – 2023). Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí ấm áp. Tại chương trình, 387 cựu nữ tù binh Phú Tài về dự cùng nhau hồi tưởng lại ký ức một thời đấu tranh gian khổ, oanh liệt nhất của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Khoảng tháng 5/1967, chính quyền Mỹ - ngụy cho xây dựng nhà tù Phú Tài (nay thuộc địa bàn phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn, Bình Định) để dồn gần 1.000 nữ chiến sĩ cách mạng từ các trại giam trên khắp miền Nam về đây giam giữ, tra tấn.

Theo ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Phú Tài là trại giam có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới. Qua 5 năm tồn tại, trại giam Phú Tài đã giam giữ gần 1.000 nữ chiến sĩ cách mạng, hầu hết tuổi đời từ 17 đến 22, đa số chưa lập gia đình, bị địch bắt trong nhiều cuộc hành quân càn quét trên khắp các chiến trường từ Vĩ tuyến 17 trở vào cực nam của Tổ quốc. Đây là một trong những địa điểm ghi dấu chứng tích tội ác chiến tranh của Mỹ - ngụy đối với nhân dân miền Nam, đặc biệt là đối với phụ nữ. Đây cũng là nơi minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 50 năm nữ tù binh trại giam Phú Tài trở về: Minh chứng cho ý chí kiên cường, bất khuất ảnh 1

Các nữ tù binh trại giam Phú Tài về dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trương Định

“Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã độc lập, thống nhất hơn 48 năm, nhưng những chiến công bất khuất của các nữ tù binh Trại giam Phú Tài vẫn mãi là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ noi theo; tinh thần đấu tranh bất khuất của nữ tù binh Phú Tài mãi mãi là bản hùng ca trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trại giam nữ tù binh Phú Tài mãi là địa chỉ đỏ, là biểu tượng sâu sắc cho ý chí và tinh thần quật khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước hôm nay”, ông Lê Kim Toàn nhấn mạnh.

Làm sáng tỏ thêm 8 chữ vàng

Tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, Trưởng Ban liên lạc nữ tù binh Trại giam Phú Tài kể lại, ở trong trại giam Phú Tài, các nữ tù binh phải chịu đựng một chế độ giam giữ khắc nghiệt. Mỗi phòng có diện tích khoảng 120m2, giam 70 - 80 người, có khi lên 150 người.

“Bất chấp sự tra tấn, các nữ tù binh trại giam Phú Tài đã đoàn kết bảo vệ quyền sống, biến trại giam thành trường học, thành lập các chi bộ, Đoàn thanh niên, đội Quyết tử để đấu tranh”, bà Lý nhớ lại.

Năm 2002, Di tích Trại giam Phú Tài được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ghi nhận tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên trung trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của các nữ tù binh Trại giam Phú Tài, Đảng, Nhà nước đã tặng nhiều danh hiệu cao quý cho các cô, các chị. Đặc biệt, để tưởng nhớ công lao, đóng góp to lớn của gần 1.000 nữ tù binh Trại giam Phú Tài, năm 2020, Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể Nữ tù binh trại giam Phú Tài về thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Theo bà Lý, từ năm 1967, trại giam đã có nhiều chi bộ, mỗi chi bộ có khoảng 15 - 17 đảng viên. Ngày 19/8/1968, Đảng ủy trại giam được thành lập lấy biệt hiệu “BK” có nghĩa là Bất Khuất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Trại giam, các nữ tù binh đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi những quyền lợi cơ bản nhất của tù binh. Từ năm 1968 - 1972 đã có trên 20 cuộc đấu tranh lớn nhỏ của các nữ tù binh tại đây, buộc địch phải chấp nhận thực hiện các yêu cầu của chị em.

“Thắng lợi trong các cuộc đấu tranh của các nữ tù binh trại giam Phú Tài, đó là nhờ sự đoàn kết, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là minh chứng để làm sáng tỏ thêm 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam là: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, bà Lý nói.

Nhân dịp này, bà Lý bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Định có báo cáo đề nghị với Trung ương sớm xem xét công nhận trại giam nữ tù binh Phú Tài là di tích lịch sử cấp quốc gia.

MỚI - NÓNG