Bà Đại sứ đã điểm lại quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Đức – Việt trong 2 năm qua trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, dạy nghề và hợp tác phát triển. Hiện nhiều doanh nghiệp Đức tại Việt Nam như Bosch, Messer... đã mở cửa và thường xuyên nhận các học viên học nghề Việt Nam vào thực hành.
Trường đại học Việt – Đức tại Bình Dương đang có 800 sinh viên theo học, và sẽ xây dựng xong khu khuôn viên vào năm 2017 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới. Dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, song Đức vẫn cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam chiến lược phát triển xanh và bền vững.
Nhân dịp này bà Đại sứ cũng cho biết, tháng 11 tới Đức sẽ tổ chức Hội nghị kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương tại TPHCM, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức sẽ khai mạc hội nghị này với sự tham dự của nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức và các nước trong khu vực.
Dự án Ngôi nhà Đức – một dự án đặc biệt của Đức tại TPHCM nơi tập trung giới thiệu về kinh tế, văn hóa, chính trị của nước Đức – dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017, khi đó TPHCM sẽ có thêm một tòa nhà hiện đại với công nghệ xây dựng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng của Đức.
Nhân dịp này bà Đại sứ đã giới thiệu dự án ’’StreetArtGallery Hanoi“ tại khu vực tường bao xung quanh khuôn viên Đại sứ quán. Thông qua đó, dự án cũng gợi nhớ về sự sụp đổ ôn hòa của Bức tường Berlin và cho thấy thông qua nghệ thuật, chúng ta có thể vượt qua các bức tường và rào cản giữa con người với con người như thế nào.
25 năm trước nước Đức bị chia cắt bởi bức tường Berlin. Vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ và liền sau đó, nước Đức đã trở thành một quốc gia hoàn toàn thống nhất.