Jatinga - Ngôi làng nhỏ nằm ở vùng bắc Ấn Độ này cũng giống như hầu hết những ngôi làng bé nhỏ và bình yên khác. Trừ một điều: hàng năm, vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, hàng trăm con chim lại quy tụ tại đây và tự sát tập thể. Hiện tượng kỳ lạ này đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua ở thị trấn tĩnh mịch này và cho đến nay vẫn chưa có được lời giải thích hợp lý.
Ngôi làng Jatinga luôn tràn đầy sức sống, với phong cảnh chiều lòng người, cũng là điểm dừng chân lý tưởng mỗi khi ghé thăm vùng Borail Hill, thuộc quận Dima Hasao ở Ấn Độ. Được biết đến như trung tâm của quận Dima Hasao, Jatinga còn nổi tiếng là nơi sinh sống của rất nhiều loại chim di cư như bói cá, chào mào, đuôi cụt, chèo bẻo, diệc xám và bồ câu lục bảo và rất nhiều loại chim khác.
Các loại chim này đều rất tích cực hoạt động vào ban ngày. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 9 và tháng 10, hàng trăm con chim sẽ lao mình xuống, đâm thẳng đầu vào các tòa nhà hay những cái cây để tìm tới cái chết. Kỳ lạ hơn nữa, hiện tượng này lại chỉ xảy ra vào khoảng giữa 7h và 10h tối trên những trục đường chính của ngôi làng. Để thu hút thêm khách du lịch, ngôi làng này thậm chí đã xây dựng lên những “tháp ngắm chim” để quan sát rõ hiện tượng kỳ quái này.
Hiện tượng chim tự sát như vậy đã kéo dài hơn 100 năm ở Jatinga nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa vén được bức màn bí mật xung quanh nó.
Mấy năm gần đây, Viện nghiên cứu động vật Ấn Độ đã lập ra một trung tâm quan sát chim ở gần Jatinga. Họ đã thu thập được hơn 20 loài chim bay đến làng để tự sát. Trung tâm quan sát còn đặt một thư viện về chim và một trại nuôi chim ở đây nữa để nuôi dưỡng những con chim bay đến mà chưa chết.
Chứng kiến hiện tượng này, Salim Ali, nhà nghiên cứu chim hàng đầu Ấn Độ cho biết. “Điều lạ kỳ nhất với tôi về hiện tượng quái gở này chính là việc rất nhiều loài chim có tập quán hoạt động vào ban ngày, nhưng tại sao chúng lại tụ họp vào buổi đêm, thời gian đáng lẽ cũng đang chìm trong giấc ngủ. Vấn đề cần được mổ xẻ dưới nhiều góc độ khoa học khác nhau”.
Trong khi đó, không ít các chuyên gia nghiên cứu về chim tin rằng có sự liên kết nào đó giữa hiện tượng này và lực điện từ trong khu vực được tạo bởi vị trí địa lý đặc biệt của vùng Jacinta.
Hiện tượng chim tự sát hàng loạt ở Jatinga được cho là xuất hiện từ năm 1905, khi những người dân trong vùng chứng kiến những “đám mây chim” đen lao từ trên bầu trời xuống. Năm 1957, một công trình nghiên cứu của chuyên gia người Anh, E.P Gee đã viết về hiện tượng tự sát này, có tên “Wild Life of India”.
Cũng chính vì sự kỳ lạ này mà ngôi làng Jatinga đã thu hút hàng nghìn du khách tới xem… chim tự tử.