Hà Nội – Ngõ nhỏ, phố nhỏ...

Kỳ cuối: Tương lai nào cho đặc sản thủ đô?

TP - Ngõ hẹp đã và đang tồn tại như một phần tất yếu của Hà Nội. Bất chấp những bất cập về cơ sở vật chất, giao thông, phòng cháy chữa cháy… ngõ hẹp vẫn đang thỏa mãn nhu cầu của một phần không nhỏ người dân tại thủ đô. Giải tỏa những khu vực này là điều gần như bất khả thi.

Vừa là đặc sản, vừa là di sản?

Ở nơi phố thị phồn hoa, đông đúc như thủ đô Hà Nội, ngõ hẹp dường như đã trở thành một đặc sản không thể không nhắc đến. Với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ (Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích nhưng đóng góp tới 16% GDP của cả nước), nhu cầu việc làm sẽ còn tăng cao, người dân ngoại tỉnh sẽ tiếp tục đổ về, những khu nhà ở, chung cư sẽ liên tục mọc lên và ngõ hẹp sẽ tiếp tục vạch những đường chằng chịt lên bản đồ địa chính của thủ đô.

Kỳ cuối: Tương lai nào cho đặc sản thủ đô? ảnh 1

Con ngõ 176 Khâm Thiên chỉ rộng 85cm

Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, áp lực từ sự di cư của người dân ngoại tỉnh vào Hà Nội là nguyên nhân hàng đầu làm hình thành nên những ngõ hẹp. Họ chấp nhận ở trong một diện tích tối giản, cơ sở vật chất thiếu thốn miễn là có mặt bằng để sản xuất, buôn bán hoặc gần nơi làm việc. Và điều quan trọng nhất: miễn rẻ là được. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở các đô thị đang phát triển khác tại Đông Nam Á như Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan)…

“Từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, Hà Nội đã tiếp thu và phát triển các khu dân cư, khu tập thể theo mô hình đô thị nén của các nước châu Âu, chẳng hạn như ở Giảng Võ, Trung Tự, Văn Chương… Nhưng chúng ta chưa làm tốt được như các nước bạn, vậy nên mới còn tồn tại nhiều ngõ nhỏ, hẹp mà bên trong là những nhà ở hoặc khu tập thể cũ kỹ, xuống cấp”, nhà văn Nguyễn Trương Quý cho biết.

Còn theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, ngõ hẹp ở Hà Nội không chỉ là đặc sản, mà còn là di sản về văn hoá, lịch sử của thủ đô. Nhiều con ngõ hẹp được hình thành bởi những ngôi nhà ống nằm sát sạt nhau, đặc biệt là ở khu phố cổ. Hà Nội lại có nhiều nhà ống như vậy là bởi thời xưa, người dân thường chia một căn nhà to thành nhiều nhà ống nhỏ để vừa có chỗ ở, vừa có chỗ buôn bán, hoặc có chỗ dành cho con cái lập gia đình.

Kỳ cuối: Tương lai nào cho đặc sản thủ đô? ảnh 2

Bên trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị, nơi có xóm chạy thận nổi tiếng Hà Nội

Ngoài ra, thời Pháp thuộc, thực dân Pháp thường đánh thuế mặt tiền nhà ở rất cao, nên người dân phải chia nhà thành nhà ống rồi xây cao lên để né thuế. Ngõ nhỏ còn là chứng tích cho quá trình chuyển đổi từ ngõ làng lên ngõ phố ở các khu vực như Khâm Thiên, Bạch Mai… Quá trình này bắt đầu từ năm 1920, khi người dân phố cổ đổ dồn về các vùng ngoại thành để lập nghiệp, biến làng thành phố.

“Khi nhìn vào lịch sử, còn nhiều lý do khác cho sự ra đời của những con ngõ hẹp ở thủ đô. Chẳng hạn như việc người dân cố tình lấn chiếm ngõ đi chung để mở rộng diện tích nhà ở; các chủ đầu tư lấn chiếm đất ngõ để bán được nhiều mét vuông nhà hơn… Thậm chí, có những nơi chủ đích xây ngõ thật hẹp và ngoằn nghèo để chống trộm”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhìn nhận.

Nan giải bài toán giãn dân

Với tốc độ đô thị hoá ở các vùng ngoại thành như huyện Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức…, những con ngõ hẹp sẽ còn tiếp tục ra đời. Có thể thấy, ngõ hẹp đã và đang tồn tại như một phần tất yếu của Hà Nội. Bởi dù còn tồn tại nhiều hạn chế về mặt cơ sở vật chất, giao thông, điều kiện cứu hộ cứu nạn và phòng cháy chữa cháy…, ngõ hẹp vẫn đang thỏa mãn nhu cầu của một phần không nhỏ người dân tại thủ đô. Giải tỏa những khu vực này là điều gần như bất khả thi.

Vì vậy, di dân, giãn dân tới những khu vực khác là giải pháp khả thi nhất. Ở riêng khu vực phố cổ, đề án giãn dân đã được Hà Nội phê duyệt từ năm 2013 và dự kiến hoàn thành năm 2020 (mật độ dân số tại phố cổ cao gấp 138 lần so với mật độ dân số trung bình cả nước - theo Tổng điều tra dân số lần thứ 5, công bố năm 2021). Tuy nhiên, đến nay, nhiều khu tái định cư phục vụ việc di dân phố cổ vẫn không có người ở, điển hình như hàng ngàn căn hộ trên mặt đường Lý Sơn, phường Thượng Thanh, quận Long Biên (Hà Nội).

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng, việc người dân phố cổ không muốn di dân là điều dễ hiểu. Họ đang sống trong những “khu ổ chuột bằng vàng” - tức dù diện tích nhỏ hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng nằm trên “đất vàng” nên vẫn có giá trị rất cao. Khu vực trung tâm còn vô cùng thuận tiện cho việc sản xuất, buôn bán của họ, nên nếu rời bỏ nơi này, nhiều gia đình không biết phải làm gì để kiếm sống. Người ta thường bảo nhau rằng, ở phố cổ, chỉ cần có 10 mét vuông mặt tiền để kinh doanh là có thể yên tâm cho con đi du học nước ngoài.

Giãn dân tới các khu nhà ở xã hội là giải pháp với những khu dân cư đông người lao động nghèo. Tuy nhiên, chuyện doanh nghiệp gặp khó trong việc xây dựng nhà ở xã hội bởi nhiều vướng mắc về thủ tục, chính sách không phải điều mới lạ.

Kỳ cuối: Tương lai nào cho đặc sản thủ đô? ảnh 3

Không gian nhỏ hẹp, tối tăm trong ngõ 2B Khâm Thiên

Trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy quá trình xây dựng nhà ở xã hội, mà điển hình nhất là gói hỗ trợ vay trị giá 120.000 tỷ đồng dành cho các chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội. Tuy vậy, khi áp dụng vào thực tế, việc triển khai gói hỗ trợ này dự kiến còn nhiều điều phải cải thiện. Chẳng hạn như tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 vừa được tổ chức ngày 28/7 tại Nhà Quốc hội, một số doanh nghiệp đã chia sẻ quan điểm rằng mức lãi suất 8,2%/năm (đối với người mua nhà ở xã hội) vẫn còn quá sức chịu đựng với những lao động có thu nhập thấp…

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay có đề xuất thành lập doanh nghiệp quản lý, khai thác quỹ đất do nhà nước nắm giữ 100% vốn. Nếu đề xuất này được thông qua, một doanh nghiệp nhà nước có thể trực tiếp đứng ra mua lại những khu đất cần phải di dân thay vì kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào những khu đất này - điều gần như không thể.

Đô thị nén là những khu vực có diện tích nhỏ, mật độ dân cư cao, đường giao thông hẹp, phát triển chủ yếu về chiều cao và không gian phía trên. Những khu đô thị này tích hợp đa dạng các dịch vụ, chức năng như cư trú, làm việc, học hành, mua sắm, giải trí… Đô thị nén ra đời như một giải pháp dàn xếp, tổ chức một cách hiệu quả, hợp lý không gian sống cho những người nghèo và các thành phần khác trong cùng một khu đô thị, vừa đảm bảo được sinh kế cho họ, vừa tránh được tình trạng tiêu cực của các khu ổ chuột.