Thảm họa môi trường biển miền Trung

Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Người dân lo sinh kế

Vợ chồng chủ nhà hàng nổi Chu Minh Độ buồn bã khi cả tuần nay không có khách.
Vợ chồng chủ nhà hàng nổi Chu Minh Độ buồn bã khi cả tuần nay không có khách.
TP - Hơn 2 tuần cá chết đến nay, tỉnh Hà Tĩnh chưa có chỉ đạo cụ thể để thu gom số cá bị chết trôi dạt vào bờ biển.

"Số cá chết bà con tự lấp hoặc để đó, còn số cá còn sống lử đử nghe nói được đưa đi tiêu thụ. Cá chết hai tuần nay nhưng có thấy ai chỉ đạo đâu, chỉ nghe trên ti vi nói thôi”, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh, ông Nguyễn Đình Vin nói. Theo quan sát của PV, khu vực nhiều cá chết nhất là tại Mũi Đao. Trưa 22/4, khi chúng tôi vừa có mặt tại khu vực này, đã thấy mùi thối xộc vào mũi. “Nghe nói cá chết thối nằm cả tuần nay chim hải âu ăn vào cũng lăn đùng ra chết nên mọi người sợ có dám lại gần đâu”, một người dân xã Kỳ Nam nói.

Theo hướng chỉ tay của người dân này, từng mô đất nhỏ sát mép sóng là nơi lấp vội những con cá lên đến vài chục kg nhiều ngày qua kèm theo nắng nóng gây nên mùi thối rất khó chịu. Khi lại gần những mô đất này, ruồi, nhặng bay tứ tung. Dùng chân gạt qua lớp đất mỏng là hiện lên những con cá bị chết nhiều ngày. “Nghe nói ở Quảng Bình và Quảng Trị cá được thu gom để xử lý. Vậy mà ở đây cá chết cả tuần nay có thấy ai khuyến cáo gì đâu”, một người dân xã Kỳ Nam nói. Không chỉ xã Kỳ Nam, nhiều ngày nay, xã Kỳ Phương cũng chịu cảnh tương tự. “Chả thấy ai chỉ đạo thu gom gì hết. Lãnh đạo tỉnh cũng không thấy vào chia sẻ với người dân”, một cán bộ xã Kỳ Phương nói.

Theo tìm hiểu của PV sự việc cá chết ở TX Kỳ Anh xảy ra từ ngày 6/4 đến nay.

Hết đường làm ăn?

Con đường nhựa phẳng lỳ trải dài từ ngã ba Vũng Áng xuống Cảng Vũng Áng, nơi có hàng chục nhà hàng nổi kinh doanh món mực nhảy đặc sản của Kỳ Anh cả tuần nay vắng vẻ lạ thường. “Mong các cơ quan nhà nước làm rõ nguyên nhân cá chết để chúng tôi kinh doanh. Với đà này hết đường làm ăn rồi các chú ơi”, ông Chu Minh Độ, kinh doanh nhà hàng mực nhảy tại Cảng Vũng Áng bật khóc. Theo ông Độ, bình quân mỗi ngày đầu mùa mực này, nhà hàng ông phải bán từ 10 đến 20kg mực nhảy. “Hơn một tuần nay không có khách nào đến cả. Mực các ngư dân đi đánh về cũng ế ẩm và giá rớt thê thảm”, ông Độ nói. Theo ông Độ, tại khu vực này chỉ có cá chết còn mực thì không.

Nhà hàng của gia đình chị Chu Thị Thanh vắng lặng “Cả năm được vài tháng mùa hè kinh doanh món mực nhảy. Vậy mà sự việc lại xảy ra đúng dịp chuẩn bị nghỉ lễ 30/4”, chị Thanh nói. Theo các chủ nhà hàng, nếu tình trạng khách heo hút kéo dài như thế này chắc chắn việc kinh doanh sẽ khó tồn tại. “Mấy trăm người dân thu nhập chính ở đây. Rồi cả trăm hộ ngư dân làm nghề biển ngàn đời ở đây sẽ biết làm gì nếu mực, cá cứ đánh về không bán được”, một hộ kinh doanh lo lắng.

Trong ngày hôm qua, 22/4, đoàn công tác của Bộ TNMT làm việc với Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Các cơ quan báo chí không được dự. Theo tìm hiểu của PV, đây là hai nhà máy có nước xả thải ra vùng biển Vũng Áng. Ngoài ra, tại khu vực Cảng Vũng Áng có nhiều nhà máy, bãi tập kết than, xây dựng cầu cảng của một số doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG