KSASA mở rộng ngành Hàn Quốc học tại Đông Nam Á

KSASA mở rộng ngành Hàn Quốc học tại Đông Nam Á
TPO - “Hàn Quốc học tại Đông Nam Á: Những khía cạnh hợp tác mới dựa trên các nghiên cứu của các quốc gia thành viên” là chủ đề của hội nghị Hiệp hội nghiên cứu Hàn Quốc học tại Đông Nam Á năm 2012.

Nối tiếp 4 kỳ hội nghị trước (bắt đầu từ năm 2004), năm nay, hội nghị Hiệp hội nghiên cứu Hàn Quốc học tại Đông Nam Á lần thứ 5 diễn ra từ ngày 28 đến ngày 31 - 8 – 2012 tại Hà Nội, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.

Tham dự cuộc toạ đàm này, ngoài các nhà quản lý, chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Australia và 10 quốc gia Đông Nam Á, còn có các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ Bộ GD-ĐT, Bộ KH&CN, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Viện Kinh tế Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu, một số Sở, Ban, Ngành chức năng về các lĩnh vực nghiên cứu về Hàn Quốc.

Hội nghị lần thứ 5 của KSASA sẽ mở rộng hơn nữa khả năng hợp tác của các đơn vị chủ chốt của các thành viên KSASA bằng cách chia sẻ và tìm hiểu những hướng đi đa dạng và sâu sắc hơn để phát triển ngành Hàn Quốc học tại Đông Nam Á giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị có 5 phiên chính thảo luận về các chủ đề: “Mạng lưới khu vực nghiên cứu Hàn Quốc học tại Đông Nam Á”; Hàn Quốc học tại Đông Nam Á: Những kế hoạch nghiên cứu; Đào tạo và Nghiên cứu HQH ở Đông Nam Á; Đào tạo và giáo dục ngôn ngữ Tiếng Hàn, Kinh tế - Chính trị và cải cách khu vực công; Văn hóa, công nghiệp văn hóa và nhân văn.

Đặc biệt, trong Hội thảo lần này sẽ có một tọa đàm đặc biệt với chủ đề “Phát triển quốc gia và chia sẻ kinh nghiệm” với 3 tiểu chủ đề: Chính sách xuất khẩu; Chính sách đổi mới quốc gia; Chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Hội nghị sẽ được tập trung vào hai sự kiện chính. Ngày đầu tiên sẽ bắt đầu với các hội nghị chuyên đề về chủ đề phát triển và thúc đẩy ngành Hàn Quốc học ở Đông Nam Á và Hàn Quốc.

Sự kiện chính thứ hai của hội nghị sẽ được chia thành hai phiên đồng thời về các chuyên ngành khác nhau của ngành Hàn Quốc học với rất nhiều cuộc thảo luận tập trung giữa các học giả và các chuyên gia của các chuyên ngành tương ứng.

Nhu cầu của thị trường về ngành Hàn Quốc học trong khu vực ngày càng mở rộng.

Với sự hoạt động tích cực của Hiệp hội nghiên cứu Hàn Quốc khu vực Đông Nam Á (KSASA) trong hơn 8 năm qua đã thúc đẩy sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Đông Nam Á.

Một số dự án nghiên cứu hợp tác quan trọng đã được thực hiện thành công bởi các đối tác chiến lược của các tổ chức KSASA trong các lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, ngôn ngữ, chính trị, kinh tế, nhân văn, kinh doanh, xoay quanh khu vực của ngành Hàn Quốc học.

Các tổ chức đối tác của KSASA bao gồm 10 trường đại học hàng đầu ở bảy quốc gia trong Đông Nam Á. Đó là một bước tiến đáng nhớ khi các trường đại học hàng đầu ở Đông Nam Á đang định hướng cho ngành Hàn Quốc học trong khu vực. Hiện nay, 11 đại diện các trường đại học trong khu vực Đông Nam Châu Á và Úc đang dẫn đầu về nghiên cứu Hàn Quốc ở Đông Nam Á, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và giáo dục.

Bắt đầu từ Hội nghị thứ 5, KSASA sẽ nỗ lực để trở thành một hiệp hội theo định hướng nghiên cứu và Hội nghị của KSASA sẽ trở thành nơi kết quả nghiên cứu từ các dự án hợp tác nghiên cứu hiện nay được trình bày và thảo luận; tầm nhìn và các chương trình nghiên cứu trong tương lai cũng được trao đổi giữa các trường đại học tham gia và học giả cá nhân trong khu vực.

Theo Viết
MỚI - NÓNG