Ngày 1/7, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, bà Trần Thị Nga - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa ký văn công văn (số 2314) gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu.
Công văn này yêu cầu UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Kon Tum cần huy động cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu. Theo đó, để làm được điều này cần kiện toàn các đội xung kích, tổ chức và duy trì chiến dịch vệ sinh môi trường; diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn theo hướng của ngành Y tế; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân, tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường nhà cửa, trường học; tuyên truyền, vận động người dân tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc xin phòng bệnh bạch hầu nói riêng…
Đặc biệt, công văn trên nêu rõ, chủ tịch UBND các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để dịch bệnh lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Cùng với đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị khẩn trưởng triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu trên địa bàn; phải nắm chắc các ổ dịch hiện có và mới phát sinh, sớm phát hiện các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng. Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cần xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông phòng chống dịch cho các địa phương để nâng cao công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thuốc, hóa chất, bảo hộ...để điều trị kịp thời và đáp ứng các tình huống dịch bệnh.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có tới 9 ca nhiễm bạch hầu. Diễn biến dịch bạch hầu ở tỉnh này ngày càng phức tạp, trong khi đó, phóng viên các báo đài đều phản ánh khi liên hệ làm việc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum rất khó khăn.
Không chỉ Kon Tum, bạch hầu đang có diễn biến phức tạp tại Đắk Nông và đã gây chết người, số bệnh nhân tăng cao (trong bối cảnh vắc xin không thiếu), khiến một Thứ trưởng Bộ Y tế phải có mặt tại địa phương trực tiếp chỉ đạo. Đáng lưu ý, tại Đắk Nông, trả lời báo chí, một lãnh đạo Sở Y tế còn phát ngôn hàm ý: Dịch bùng phát có lỗi từ người dân không đi tiêm chủng (trong khi đa phần là người Mông).