Điều duy nhất các nhà nghiên cứu biết chắc về Kiya là tên gọi của bà và bà là vợ của hoàng đế Ai Cập Akhenaten với tước hiệu "Người vợ yêu dấu". Nhiều thông tin về Kiya bị thất lạc theo thời gian và pha lẫn trong tiểu sử của nữ hoàng Nefertiti và những người phụ nữ khác thuộc vương triều.
Các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết về nguồn gốc xuất thân của bà. Theo một giả thuyết, người vợ của pharaoh Akhenaten đến từ Mitanni ở phía bắc Syria. Bà là một công chúa tên Tadukhepa, người được gả tới Ai Cập vì mục đích ngoại giao, theo Aidan Dodson, một tiến sĩ sử học và nhân chủng học tại Đại học Bristol, Anh.
Ngày mất chính xác của Kiya vẫn chưa được xác định, nhưng dấu vết cuối cùng về bà lưu lại ở năm thứ 12 hoặc 13 trong thời gian trị vì của Akhenaten. Do đó, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực tái dựng lại những sự kiện xung quanh Kiya và sự biến mất của bà dựa trên các thông tin còn lưu lại.
Giả thuyết thứ hai về Kiya gắn liền với kết quả phân tích ADN. Điểm đặc biệt về Kiya là mối liên hệ của bà với người phụ nữ có tên Quý cô trẻ hơn trong lăng mộ ký hiệu KV35. Ngôi mộ được mở lại vào năm 1907 này là nơi yên nghỉ cuối cùng của hai người phụ nữ nằm cạnh nhau, Quý cô trẻ hơn và Quý cô già hơn.
Theo tiến sĩ Joann Fletcher, nhà Ai Cập học ở Đại học New York, Mỹ, Quý cô trẻ hơn chính là nữ hoàng Nefertiti xinh đẹp. Nhà nghiên cứu người Pháp Marc Gabolde cũng nghiêng về ý kiến của Fletcher.
Trong khi đó, kết quả kiểm tra ADN trên 11 xác ướp của Hội đồng Khảo cổ học Tối cao của Ai Cập cho thấy cha của pharaoh Tutankhamun là người đàn ông nằm trong lăng mộ ký hiệu KV55 - Akhenaten. Quý cô trẻ hơn là nữ hoàng Tiye, mẹ của Akhenaten, đồng thời là vợ pharaoh Amenhotep III. Mẹ của Tutankhamun là Quý cô trẻ hơn, con gái của Tiye và Amenhotep III. Cha mẹ của pharaoh Tutankhamun là anh em cùng huyết thống. Tuy nhiên, đa số các nhà Ai Cập học hiện nay tin rằng Quý cô trẻ hơn thực chất là Kiya.
Một bình kín có nắp khắc hình Kiya. Ảnh: Wikipedia.
Một điểm đáng lưu ý khác là những bản quét mới nhất trên xác ướp Quý cô trẻ hơn chỉ ra người phụ nữ này bị sát hại. Theo tiến sĩ Ashraf Selim chuyên chụp X quang, nếu phần mặt bị hủy hoại sau khi ướp, những mẩu xương thịt khô sẽ lưu lại bên trong vết thương. Các bản chụp cắt lớp vi tính từ Dự án Xác ướp Ai Cập cho thấy rất ít xương gãy ở hốc xoang, chứng tỏ vết thương trên gương mặt người phụ nữ có từ trước khi ướp và nhiều khả năng từ trước lúc chết.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu phân tích những đồ tạo tác gắn liền với Kiya, trong đó món đồ quan trọng nhất là 4 bình kín tìm thấy trong lăng mộ KV55. Đây là những ví dụ về nghệ thuật thời Ai Cập cổ đại, với phần nắp bình khắc hình gương mặt như một bức chân dung. Phân tích hình khắc trên bình cho thấy người phụ nữ có chiếc mũi thon dài, bờ môi dày và đôi mắt to tròn, nhiều khả năng chính là Kiya.
Sự thật về cuộc đời của Kiya vẫn là thách thức lớn đối vởi các nhà khảo cổ. Những bức tranh về Kiya đều được khắc lại thành chân dung các thành viên khác trong hoàng tộc. Theo Dodson, lời giải thích hợp lý cho sự biến mất đột ngột của bà là Kiya bị thất sủng. Mọi bằng chứng tìm thấy ở các di chỉ khảo cổ và tước hiệu riêng chỉ ra Kiya là nhân vật quan trọng trong hoàng tộc. Tên bà có nghĩa là "Người vợ yêu dấu", tước hiệu chưa từng có trong lịch sử Ai Cập. Nó chỉ ra vị trí đặc biệt của bà trong trái tim pharaoh Akhenaten và vai trò mà bà nắm giữ trong hoàng cung bởi không một người phụ nữ nào xung quanh vị hoàng đế này có tên gọi tương tự.