Lời nguyền chết chóc của các Pharaoh Ai Cập

Nhiều người tin rằng lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun ẩn chứa lời nguyền bí ẩn. Ảnh: Ancient.
Nhiều người tin rằng lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun ẩn chứa lời nguyền bí ẩn. Ảnh: Ancient.
Lời nguyền được đặt trên lối vào lăng mộ của các vị Pharaoh Ai Cập thời cổ đại để bảo vệ chúng khỏi bị quấy rầy hay cướp phá.

Những câu chuyện và tin đồn xung quanh ngôi mộ và xác ướp ở Ai Cập tồn tại nhiều thế kỷ nay. Các ghi chép từ thời Trung Cổ đến Cận Đại đều viết rằng, không nên can thiệp vào khu chôn cất của người Ai Cập cổ đại vì sẽ bị ám.

Người ta cho rằng thầy tu lập lời nguyền xung quanh khu chôn cấp để bảo vệ xác ướp và hành trình tâm linh của họ sau khi chết. Bất kỳ ai bước vào quấy rầy lăng mộ và xác ướp đều bị "lời nguyền của Pharaoh" ám, sẽ gặp vận rủi và bất đắc kỳ tử.

Người Ai Cập phát nguyền khi tổ chức nghi lễ bảo vệ khu chôn cất. Lời nguyền được ghi trong nhà thờ của lăng mộ, trên tường, cánh cửa giả, bia, tượng, đôi khi là quan tài. Một trong số những lời nguyền khác thường hơn là "Lời nguyền Con lừa", người xâm phạm lăng mộ sẽ bị một con lừa cưỡng hiếp. Con lừa là biểu tượng khuôn mặt của ác thần Sheth, con của thần đất Geb và nữ thần bầu trời Nut. Sheth tình cờ gặp nữ thần bò cái Hathor đang tắm dưới sông và cưỡng hiếp bà, vì vậy bị coi là một vị thần xấu xa và nổi loạn.

Lời nguyền chết chóc của các Pharaoh Ai Cập ảnh 1

Howard Carter (đứng cao nhất) cùng cộng sự khai quật lăng mộ Tutankhamen. Ảnh: Wikipedia.

Ngoài ra, Amenhotep, người đứng đầu triều đại Ai Cập thứ 18, đe dọa bất kỳ ai dám bước vào hầm mộ của ông bằng nhiều lời nguyền. Họ sẽ "mất hết danh dự và chỗ đứng trên dương thế, bị hỏa thiêu trong lò nung bằng nghi thức ghê sợ, bị lật thuyền và chìm xuống biển sâu, không có người thừa tự, không có lăng mộ hay đám ma tổ chức riêng, chết đói, cơ thể thối rữa còn xương thì mục ruỗng".

Những câu chuyện về "lời nguyền của Pharaoh" bắt đầu vào khoảng thế kỉ 7, khi người Arab chinh phục Ai Cập và không thể đọc được các chữ tượng hình, khiến mọi thứ đều trở nên bí ẩn. Họ tin rằng người Ai Cập sẽ yểm lời nguyền lên bất cứ ai dám bước vào hầm mộ, làm sống lại xác ướp bằng ma thuật.

Việc khai quật mộ vua Tutankhamen năm 1923 là vụ nổi tiếng nhất về "lời nguyền của Pharaoh". Một số người có mặt tại thời điểm mở cửa hầm mộ đều qua đời không lâu sau đó và gặp sự kiện kỳ lạ. Hầu hết những câu chuyện xảy ra đều liên quan đến Howard Carter, nhà khảo cổ học Anh đứng đầu cuộc khai quật.

Carter phát hiện một phiến đất sét trong căn phòng nhỏ phía trước ngôi mộ. Vài ngày sau đó, một thành viên trong nhóm nghiên cứu giải mã đoạn chữ tượng hình trên phiến đất có nội dung "Cái chết sẽ đến với bất kỳ kẻ nào dám làm nhiễu loạn sự bình yên của Pharaoh".

Dấu hiệu đầu tiên của lời nguyền xảy ra khi Carter nhờ người đưa tin về quê nhà. Khi đến nơi, người đưa tin nghe thấy tiếng khóc yếu ớt và nhìn thấy con chim hoàng yến của Carter đang bị rắn hổ mang ăn thịt.

Trong vòng 7 tuần sau khi mở cửa lăng mộ, Clark, bá tước xứ Carnarvon, người cùng phát hiện ra lăng mộ Pharaoh Tutankhamen, chết vì muỗi cắn. Các phương tiện truyền thông nhanh chóng đưa tin "lời nguyền của Pharaoh" ứng nghiệm, và đến giờ người ta vẫn tin vào điều này.

Lời nguyền chết chóc của các Pharaoh Ai Cập ảnh 2

Phiến đất sét ghi lời nguyền trong lăng mộ Tutankhamen. Ảnh: Ancient.

Những người hoài nghi cho rằng, rất nhiều người đến thăm và khám phá lăng mộ vẫn sống khỏe mạnh. Một nghiên cứu cho thấy, trong số 58 người có mặt khi lăng mộ và quan tài mở ra, chỉ có tám người chết trong vòng 10 năm sau đó. Tất cả những người khác vẫn còn sống bao gồm cả Howard Carter, người qua đời lúc 64 tuổi vì ung thư hạch năm 1939.

Hầu hết lời nguyền Ai Cập có vẻ siêu hình. Tuy nhiên, một số trường hợp lăng mộ có chứa cạm bẫy, cũng như chất độc gây tổn thương hoặc tử vong cho những kẻ xâm phạm. Kỹ sư Ai Cập cổ đại phủ lên sàn nhà và tường trong lăng mộ bằng bột hematite, loại bụi kim loại sắc nhọn gây ra cái chết từ từ và đau đớn cho người hít phải.

Trong khi lời nguyền dường như là sự mê tín của người xưa, rất nhiều người hiện đại ngày nay vẫn trang bị cho mình vật bảo mệnh, hoặc bùa chú để chống lại ảnh hưởng của lời nguyền.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy một hiện tượng tâm lý kỳ lạ. Những người tin rằng mình đang bị nguyền rủa không thể chống chọi được bệnh tật, cuối cùng chết vì căng thẳng tinh thần. Rất có thể lời nguyền từ thời cổ đại vẫn hiệu lực cho đến ngày nay nhờ cách này.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG