Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn
Cú “hích” ra đời tổ chức Minh bạch
Năm 2007, tôi gặp một phụ nữ tại một bản hẻo lánh ở Cao Bằng quê tôi. Thấy chị ý khóc, tôi hỏi vì sao: chị kể, chị và ba đứa con vừa mất đất sản xuất - phương tiện duy nhất nuôi sống cả gia đình vì đất bị thu hồi làm dự án. Sau ba năm chị vẫn không biết mình có được nhận tiền bồi thường hay không. Đất thì để treo, còn chị thì không được canh tác trên chính mảnh đấy của gia đình mình. Chị kể với tôi, không thể khiếu kiện vì không có tiền mua quà hay đưa phong bì để “nhờ vả” cán bộ nhà nước. Chị sợ rằng đến tay không, sẽ bị quy kết là kẻ gây rối. Chị cũng sợ rằng nếu chị kêu ca sẽ làm ảnh hưởng đến cả đứa con trai lớn, sẽ không xin được dấu xác nhận của xã để vào đại học- vốn là con đường duy nhất để mẹ con chị thoát nghèo.
Tôi nhận ra rằng những người nghèo như phụ nữ này hầu như không thể tiếp cận được thông tin về đất đai. Những người dân mất đất rất cần được cung cấp thông tin minh bạch về các chính sách của nhà nước, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, và miếng cơm manh áo của họ. Câu chuyện của phụ nữ ấy thôi thúc tôi thành lập một tổ chức độc lập để thúc đẩy sự minh bạch và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam. “Xã hội chúng ta cần công cụ để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề liên quan đến chống tham nhũng, cần sự có mặt của tổ chức để hỗ trợ Chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm đẩy lùi căn bệnh này. Ý tưởng về một tổ chức với các tên thể hiện chính mục tiêu đó trở nên rất rõ trong tôi: hướng tới minh bạch.
Kể lại câu chuyện trên, nhìn về phía người đối diện, chị Kiều Viễn tươi cười nhớ lại. Chẳng lẽ mở ra một tổ chức này mà không có khó khăn nào? Có chứ, nhiều là đằng khác. Ban đầu là khó khăn trong mô hình và cách thức thể hiện. Do luật mình không cho phép, nên tôi phải thành lập công ty với chức năng tư vấn hỗ trợ pháp lý không vì mục đích lợi nhuận. Sau đó, chúng tôi tiến đến xây dựng đề án về tổ chức. Thời kỳ đó, ngay cả lúc xây dựng đề án, chúng tôi vất vả vô cùng. Tôi thành lập tổ chức với sự đồng hành của Matthieu Salomon - nguyên là cố vấn Quốc tế về Quản trị tốt và Phòng chống tham nhũng của cơ quan phát triển Quốc tế Thụy Điển tại Hà Nội (SIDA). “Suốt thời gian hơn một năm xây dựng, chúng tôi làm việc hoàn toàn không có lương. Đó là thời kì khó khăn. Bạn bè tôi lúc đó rất e ngại và luôn hỏi vì sao tôi lại chọn con đường chông gai này” - Chị Viễn kể.
Và thời cô gái dân tộc Tày đầu tiên học chuyên ngữ
Thật tình cờ, cơ duyên “thúc” Kiều Viễn thành lập tổ chức này lại là Cao Bằng - chính quê hương cô. Kiều Viễn, sinh năm 1971 tại Cao Bằng. Trong ký ức của cô gái Tày nhỏ bé ngày nào đến giờ vẫn ăm ắp hình ảnh tuổi thơ đẹp đẽ.
“Cuối cấp 2 tôi có hai niềm vui cùng ập đến, vừa được cử đi dự liên hoan trại hè quốc tế tại Tiệp Khắc; lại có tên trong danh sách Cháu ngoan Bác Hồ được vào TPHCM dự lễ tuyên dương. Do hai cuộc này trùng nhau, nên tôi phải lựa chọn. Nghe lời khuyên của thầy, cô đi vào thành phố mang tên Bác là niềm vinh dự, tôi bèn chọn dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ. Xuống Hà Nội, để vào TPHCM, tình cờ biết đến cuộc thi vào lớp chuyên cấp 3 trường Đại học Sư phạm tổ chức, thế là làm hồ sơ nộp đơn. Thấy con bé người Tày loắt choắt quyết tâm quá, thầy, cô bèn họp bàn và nhất trí. Tôi “nghiễm nhiên” trở thành nữ sinh cấp 3 người Tày đầu tiên học tiếng Nga trong trường.
Suốt những năm tháng đó, Kiều Viễn ham học và có năng khiếu. Ra trường, gặp đúng lúc tiếng Nga hết thời, cô nhanh chóng “xoay” sang học thêm tiếng Anh, rồi lựa chọn lời mời làm hướng dẫn viên một công ty du lịch lương cao ngất. Theo năm tháng, cô “nhảy” việc qua một vài công ty du lịch nước ngoài và dừng chân khá lâu ở tổ chức du lịch quốc tế.
Rồi rời tổ chức này và “nhảy việc” thêm cho một vài nơi khác cho đến một ngày...
Luật sư của ALAC tư vấn pháp luật miễn phí trong buổi làm việc với người dân tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội năm 2015.
Xây “phong vũ biểu” chống tham nhũng
Nhắc tới Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) kể từ ngày thành lập đến nay, nữ giám đốc Kiều Viễn cho biết, “định mệnh” để TT từ một doanh nghiệp tư vấn pháp lý bé nhỏ trở thành một tổ chức đại diện cho Việt Nam chính ở cuộc gặp gỡ với Pascal Fabie - lúc đó là giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). “Đó là bước ngoặt quan trọng vì tôi tìm thấy ở TI những giá trị mình theo đuổi: Liêm chính, Minh bạch, Công bằng và Bản lĩnh. Năm 2008, TI mời tôi tham gia Hội nghị Quốc tế về phòng chống tham nhũng (IACC) tại Athen- Hy Lạp. Dự hội nghị, tôi cảm động rơi nước mắt khi nhìn thấy sự gắn kết của các thành viên TI đến từ hơn 100 nước trên thế giới. Họ gồm nhiều thành phần, người từng là thương gia, doanh nhân giàu có, người là chính trị gia. Chỉ có một mục đích chung nhất đó là muốn chống lại vấn nạn tham nhũng toàn cầu”, Kiều Viễn kể.
Cũng từ đó, TT Việt Nam trở nên bài bản. Chúng tôi xác định trọng tâm là hỗ trợ cơ quan nhà nước có thêm thông tin, số liệu về tham nhũng. Từ năm 2009 đến 2015, TT và TI đã tích cực chia sẻ kết quả nghiên cứu và công cụ phòng chống tham nhũng với Đảng, Nhà nước. Nhiều đánh giá và khuyến nghị trong các báo cáo khảo sát của TT về việc Chính phủ Việt Nam thực thi Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) được sử dụng trong Báo cáo Đánh giá Quốc gia về UNCAC của Chính phủ Việt Nam xuất bản năm 2012.
Để đáp ứng nhu cầu bức thiết về các giải pháp hiệu quả đối với vấn đề tham nhũng, năm 2013 và 2014, TT đã điều chỉnh áp dụng 2 mô hình của TI vào trong tổ chức đó là Thành phố Minh bạch và Trung tâm tư vấn pháp lý và vận động chính sách (ALAC). Đặc biệt hơn, một trong những ưu tiên của TT là xây dựng một thế hệ lãnh đạo trẻ liêm chính, có tri thức, kỹ năng và bản lĩnh để đưa ra những đòi hỏi mạnh mẽ về một chính phủ liêm chính và xã hội minh bạch.
“Kinh doanh liêm chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tạo điều kiện tốt hơn để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế”.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Sáng lập viên, Giám đốc điều hành của tổ chức Hướng Tới Minh Bạch Việt Nam
Ngày 26/4/2017 - Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đã công bố thông tin lần đầu về chương trình phòng, chống tham nhũng nội bộ của 30 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam.Theo đánh giá của tổ chức, điểm trung bình của 30 DN được đánh giá chỉ đạt 10%, trong đó các DN nhà nước chỉ đạt điểm trung bình 2% (100% là công khai nhiều nhất; 0% là công khai ít nhất). “Điều này gây ra một số băn khoăn, nghi ngại về cam kết DN trong việc đẩy lùi vấn nạn tham nhũng”, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn nói khi đó.