Nguy cơ thất thoát vì chưa lên sàn đã thoái

Nguy cơ thất thoát vì chưa lên sàn đã thoái
TP - Cổ phần hóa và lên niêm yết trên sàn chứng khoán là một trong những phương thức khiến cho việc bán vốn Nhà nước sẽ càng minh bạch hơn. Tuy nhiên, tại ngành Giao thông Vận tải, sức ì đến từ những doanh nghiệp đã bán cổ phần lần đầu ra công chúng ngày một lớn.

Hiện nay, không ít doanh nghiệp lớn của ngành GTVT đã cổ phần hoá từ một vài năm nhưng vẫn chưa xuất hiện trên sàn chứng khoán. Trong đó, có những tên tuổi rất lớn như: Cienco 5, Tổng Cty Thăng Long, Cienco 1, Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT, Tổng cty Xây dựng đường thủy, Tổng Cty Vận tải đường thủy… Điều này khiến cho cổ phiếu của doanh nghiệp không được cọ xát, thực sự theo giá trị thị trường, dẫn đến nguy cơ mất vốn hoặc vốn nhà nước bị bán rẻ khi tiến hành thoái vốn. Trong khi đó, gần như những tên tuổi lớn của ngành GTVT nêu trên đã được thoái vốn gần như toàn bộ cho các nhà đầu tư chiến lược hoặc nhóm doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, rất nhiều cổ phiếu của ngành này sau cổ phần hóa đã lên sàn, đem lại giá trị thặng dư cao cho Nhà nước. Đơn cử: Doanh nghiệp tăng giá trị mạnh nhất trên thị trường chứng khoán của ngành GTVT là Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV). Mức giá lúc IPO của doanh nghiệp này là 14 nghìn đồng/cổ phiếu (năm 2015). Cho đến hôm qua, cổ phiếu ACV đạt mức 97 nghìn đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá trị của ACV trên sàn chứng khoán đạt mức 194 nghìn tỷ đồng - mức kỷ lục trong số các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay. Trong khi đó, phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này vẫn giữ được ở tỷ lệ 95%. Đây sẽ là một nguồn lực đặc biệt lớn nếu Nhà nước tiến hành thoái vốn.

Cho đến chiều 21/12, giá cổ phiếu của Vietnam Airlines (VNA) được giao dịch ở mức 38,9 nghìn đồng/cổ phiếu. Mức giá này gần gấp đôi mức giá vào thời điểm IPO (tháng 11/2014). Như vậy, nhờ sự “cọ xát” trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là thời gian thăng hoa của thị trường chứng khoán thời gian qua, giá trị vốn hoá của VNA đã tăng cao. Đại diện VNA mới thông báo, ngay đầu năm 2018, VNA sẽ bán ra thêm hơn 191 nghìn cổ phiếu ưu đãi (mức giá 10 nghìn đồng/cổ phiếu) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo nghị quyết đại hội cổ đông thường niên năm 2017. VNA cho rằng, đợt phát hành này sẽ tiếp tục tạo ra sức hút đối với cổ phiếu của VNA (mã HVN) trên thị trường. Như vậy, với mức giá cao, tỷ lệ cổ phiếu Nhà nước nắm giữ tại VNA còn hơn 86%, số tiền thu lại cho ngân sách nếu tiến hành thoái vốn là rất lớn.

Không chỉ những doanh nghiệp lớn, các mã chứng khoán hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp dù nhỏ, kém hấp dẫn cũng được cọ xát trên thị trường và chủ yếu có được đà tăng giá. Chẳng hạn cổ phiếu của Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã cổ phiếu VOS - công ty con của Vinalines) cách đây 3 tháng giao dịch ở mức dưới 2 nghìn đồng/cổ phiếu, mấy tháng qua đã tăng hơn 3 nghìn đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, về tổng thể, để khắc phục tình trạng doanh nghiệp chậm trễ lên sàn kéo dài, gần 1 năm nay, Chính phủ đã liên tục đốc thúc các bộ ngành, doanh nghiệp tiến hành niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán. Toàn quốc hiện có đến 730 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

MỚI - NÓNG