WB khuyến cáo Việt Nam lưu ý chi tiêu công, bán vốn nhà nước

Chi tiêu công, bán vốn nhà nước là những vấn đề Việt Nam cần lưu ý trong các năm tới
Chi tiêu công, bán vốn nhà nước là những vấn đề Việt Nam cần lưu ý trong các năm tới
TPO - Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố ngày 11/12 cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 và sau đó sẽ chậm lại trong khi nợ công, lạm phát vẫn tiếp tục tăng nhẹ. Những rủi ro mới về tín dụng, nợ xấu, bán vốn nhà nước phải thực chất hơn... là những vấn đề cần lưu ý trong các năm tới.

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 sẽ ở mức 6,7% trong năm 2017 trong khi chỉ số giá tiêu dùng năm nay ở mức 3,5% và tăng lên mức 4% trong hai năm sau đó. Đánh giá của WB cũng cho thấy, về trung hạn, tăng trưởng được dự báo sẽ ổn định ở mức khoảng 6,5%. Lạm phát ở Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp, khoảng 4%, trong các năm 2018 và 2019.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho hay, báo cáo năm nay cũng ghi nhận tình hình tài khóa đang được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nợ công của Việt Nam tiếp tục gia tăng và đạt đến mức 59,6% GDP. Con số này được dự báo sẽ tăng tiếp lên 60,7% trong năm 2018 và bằng 61,3% GDP trong năm 2019.

Báo cáo của WB cũng cho rằng, các năm tới, khi nợ công tiến sát hạn mức 65% GDP theo luật định, Chính phủ Việt Nam phải đối mặt với những hạn chế đòi hỏi phải thắt chặt ngân sách trong vài năm tới. Bên cạnh đó, lượng nợ xấu vẫn còn lớn và dù đã có tiến triển về giải quyết nợ xấu nhưng những rủi ro vẫn còn đối với ngành ngân hàng. Đến nay, tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng vẫn chưa được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cao.

Theo ông Sabastian, cải cách cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, nhất là khi tốc độ tăng đầu tư đang yếu đi, cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với quá trình tăng trưởng kinh tế. “Việc tăng cường khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu là hướng đi để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn. Cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên trọng tâm trong điều kiện tăng trưởng năng suất chưa cao. Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng cần có đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước”, ông Sebastian nói.

Đưa ra nhiều con số cho thấy chi tiêu công của Việt Nam (năm nay chiếm 29,2% GDP) hiện là mức rất cao so với các nước trong khu vực, bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho rằng, Việt Nam cần lưu ý đến vấn đề tỷ trọng chi đầu tư giảm và chi thường xuyên tăng. Đáng chú ý, chi thường xuyên tăng vì chi trả nợ cả gốc và lãi cũng tăng. Bên cạnh đó, chi tăng do tăng quỹ lương khu vực công cả phần hành chính và sự nghiệp và do Việt Nam thực hiện hỗ trợ an sinh xã hội khá lớn. Những yếu tố này dẫn đến cơ cấu quỹ cho chi đầu tư ngày càng thu hẹp và sẽ kéo theo những hệ lụy về lâu dài.

“Các con số cho thấy, tăng lương tại Việt Nam thời gian qua tăng nhanh do biên chế vẫn tăng và lương cơ sở được điều chỉnh nhiều lần. Trên thực tế, quy mô về biên chế vẫn chưa đạt kỳ vọng. Quỹ lương trung bình, ở mức 6,5% GDP nhìn chung cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực”, bà Quyên đánh giá và kiến nghị Chính phủ cần giảm dần trợ cấp cho nhóm người giàu đi kèm với việc tăng giá các loại dịch vụ cần thực hiện theo lộ trình.

Theo ông Sebastian, trong năm 2018 và trung hạn, thách thức với Việt Nam chính là việc Việt Nam sẽ phải xoay chuyển để được hưởng lợi thực tế hơn từ các dòng vốn FDI, vốn được dự báo là nguồn tăng trưởng cho Việt Nam trong 5 năm tới. Theo chuyên gia này, vấn đề là Việt Nam sẽ tận dụng các cơ hội này như thế nào cũng như tiếp cận việc quản lý các dòng vốn này như thế nào. Các DN Việt đang thiếu năng lực để kết nối với các chuỗi và nhiệm vụ của cơ quan quản lý là tạo ra các môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) có thể phát triển. Việc giải quyết những vấn đề liên quan đến cạnh tranh công bằng, môi trường pháp lý, tiếp cận vốn, đất đai... là những vấn đề cần ưu tiên giải quyết.

“Việt Nam đã có những tiến bộ liên quan đến các DN được cổ phần hóa. Nhưng vấn đề là làm thế nào để có các DN cổ phần hóa chất lượng hơn. Việc thoái vốn không phải là ở dạng nông mà cần sâu hơn với tỷ lệ bán vốn tại DN nhiều hơn nữa. Cần tiếp tục cổ phần hóa để bù đắp những thâm hụt về ngân sách đồng thời nâng cao hiệu quả của các DN này. Đây sẽ là động năng rất tốt cho Việt Nam và các DN”, ông Sebastian nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".