Dân phơi lúa trong nhà máy Vinaxuky Thanh Hóa. Ảnh: Trịnh Tuân
Mới đây, BIDV chi nhánh Bến Thành ra thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 272 tỷ đồng của Công ty TNHH Phạm Tôn. Tài sản đảm bảo là 5 quyền sử dụng đất tại TPHCM, Bình Dương cùng 14 ôtô các loại. BIDV cũng rao bán đấu giá tài sản nguyên lô gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại phường Tân Phú, quận 7, TPHCM có diện tích 2.675m2 cùng với hệ thống máy móc thiết bị gồm 1 bộ máy biến thế, hệ thống đấu nối cho trạm biến áp, tổ hợp máy phát điện và toàn bộ nội thất, công cụ, trang thiết bị, máy móc thuộc toà nhà Crystal Palace.
BIDV cũng thông báo chọn tổ chức đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TPHCM). Toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá lên đến 4.063 tỉ đồng. BIDV Chi nhánh Gia Định cũng nhiều lần rao bán hàng chục căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên The Era Town, phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM. Giá bán khởi điểm dao động 2,1-5,5 tỉ đồng/căn.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn thương tín (Sacombank) rao bán quyền sử dụng hơn 6.300m2 đất tại quận Tân Phú của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Tân Phong để thu hồi nợ. Lô đất này có địa chỉ tại số 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, giá khởi điểm là 355 tỷ đồng chưa bao gồm VAT. Dự kiến, phiên đấu giá được diễn ra vào đầu tháng 10/2020, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt trước 5% giá khởi điểm của tài sản, tương đương 17,75 tỷ đồng.
Sacombank cũng đang rao bán quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 41-45 đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11. Đáng chú ý, tài sản gắn liền với khu đất là khách sạn 9 tầng Ngân Kiều với tổng diện tích sử dụng hơn 4.000 m2, giá khởi điểm cho tài sản này là 122 tỷ đồng. Ngoài ra, Sacombank tiếp tục rao bán nhiều tài sản là bất động sản, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các quận của TPHCM, nhiều vị trí mặt tiền ở các quận 3, 5, 11... với tổng trị giá tài sản rao bán lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông báo đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Gnotech, giá khởi điểm gần 28 tỷ đồng để xử lý, thu hồi tổng dư nợ vay gốc và lãi tính đến ngày 31/7/2020 gần 141 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này bao gồm máy và thiết bị sản xuất mặt kính cường lực được đầu tư từ năm 2016 và toàn bộ nhà xưởng của Công ty TNHH Vinapoly nằm tại phường An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Đầu tháng 7/2020, VietinBank thông báo bán nhiều tài sản bảo đảm. Đơn cử, ngân hàng này thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Trung tâm thương mại phức hợp Cần Thơ Center, rộng 3,23 ha, giá khởi điểm 190 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 30 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với diện tích đất hơn 5 ha tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình).
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại 543 quốc lộ 62, khu phố 5, phường 2, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có diện tích sử dụng hơn 143.178m2 cùng với máy móc thiết bị của Công ty Ngọc Mekong với tổng giá khởi điểm hơn 78 tỷ đồng.
Báo cáo bán niên 2020 cho thấy, VietinBank có tổng nợ xấu tính đến 30/6/2020 tăng đến 48% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 250% và nợ nghi ngờ tăng 84%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,7%. Tổng nợ xấu của Sacombank đã tăng 17% so với đầu năm 2020, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,94% lên mức 2,15% vào cuối tháng 6.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế độc lập Lê Minh Hoàng cho hay, nhiều ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp của khách hàng để thu hồi nợ khi dịch COVID-19 kéo dài. Thực tế này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Từ đầu năm đến nay, nợ xấu đang tăng lên, nguyên nhân chính là dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, năng lực trả nợ của doanh nghiệp.
“Từ nay đến cuối năm, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó, do đó nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tăng cao. Các ngân hàng có đua nhau phát mãi nợ xấu cũng không dễ tìm được khách hàng để bán”, ông Lê Minh Hoàng nói.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cũng nói rằng, Sacombank đặt mục tiêu đến cuối năm đến 2022 cơ bản xử lý xong tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu để tất toán trái phiếu VAMC, giảm trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan như dịch bệnh kéo dài, thị trường bất động sản không thuận lợi nên xử lý dứt điểm nợ xấu có thể kéo dài đến năm 2023.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19, việc phát mãi tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ xấu của các ngân hàng không hề dễ dàng. Các khoản nợ ngân hàng đã bán cho VAMC chủ yếu là bất động sản. Do đó, tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thị trường.
Ngoài thủ tục pháp lý xử lý, chuyển nhượng tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc làm nhụt chí người mua. Nên dù ngân hàng nhiều lần hạ giá bán nhưng vẫn không có mấy nhà đầu tư quan tâm. Đây là điểm nghẽn rất quan trọng cần được tháo gỡ nếu muốn thúc đẩy thị trường mua bán nợ.