Những năm gần đây, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam nở rộ. Các điều kiện cho vay dưới hình thức trả góp với thủ tục nhanh chóng, dễ dàng đã khiến số lượng người dân vay tiêu dùng ngày càng tăng. Đại dịch COVID-19 xảy ra khiến nhiều người mất việc, nghỉ luân phiên, không còn khả năng trả nợ đúng hạn. Điều này dẫn tới nợ xấu trong lĩnh vực tiêu dùng gia tăng.
Ðòi nợ như xã hội đen
Anh Nguyễn Hiếu, giáo viên một trường tiểu học tại Thanh Hóa, cho biết, hai vợ chồng anh đều là giáo viên; học sinh nghỉ học vì COVID-19, tiền lương bị cắt giảm, gia đình anh không đủ tiền để chi trả khoản trả góp. Nhân viên thu nợ liên tục gọi điện, nhắn tin đòi nợ. “Tôi chủ động nhắn tin trao đổi với nhân viên thu hồi nợ, đợi công việc trở lại bình thường sẽ trả đúng hạn lãi và gốc. Trong thời gian tạm thời thất nghiệp, tôi chỉ mong công ty giãn nợ”, anh Hiếu nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, dịch bệnh đã khiến nhiều người mất hoàn toàn tiền lương, và không ít người có thu nhập giảm tới 50%. Do đó, khả năng trả nợ vay tiêu dùng của nhiều người rất mong manh. Bên cạnh đó, tình trạng người dân không có thu nhập để trả nợ vay tiêu dùng có thể kéo dài từ 6 tháng tới 1 năm, nên nợ xấu của các ngân hàng, công ty tài chính sẽ tăng rất nhanh. Theo ông Hiếu, một trong những biện pháp mà các tổ chức tín dụng cần làm hiện nay để hạn chế nguy cơ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng là gia hạn thời gian trả nợ cho người vay.
“Các ngân hàng, các quỹ tín dụng cần gia hạn nợ ít nhất trong vòng từ 3- 6 tháng cả lãi và gốc cho những người đi vay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Về phía người đi vay, cần phải thông báo ngay cho các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính về tình hình thu nhập, tài chính của mình để xin ân hạn khoản vay. Trong trường hợp người đi vay mất hoàn toàn khả năng thanh toán, vỡ nợ, các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính cần phải thương lượng để thống nhất giải quyết như giảm nợ, đưa ra một lộ trình trả nợ mới sau thời gian ân hạn, có thể giảm lãi suất cho họ”, ông Hiếu khuyến nghị.
Phát sinh nợ xấu vì COVID-19 cũng là lúc các công ty cho vay tiêu dùng ráo riết đòi nợ. Anh Nguyễn Hùng (Hà Nội) có vay tiêu dùng trả góp để mua một chiếc điện thoại di động. Những tháng đầu tiên, anh Hùng trả đầy đủ lãi và gốc đúng hạn. Do có việc cá nhân đột xuất, anh Hùng không thu xếp đủ tiền để trả đúng hẹn (trả chậm 10 ngày so với quy định). Gọi điện cho anh Hùng không được, nhân viên công ty tài chính cho vay tiêu dùng bắt đầu các chiêu trò khủng bố tinh thần. Đầu tiên, công ty tài chính gửi giấy đòi nợ về gia đình anh, và gửi tới chị gái anh Hùng. Sau đó, họ liên tục gọi điện đòi nợ với nhiều lời lẽ đe dọa. “Vì lí do bất khả kháng, không trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, tôi sẽ chịu phạt theo quy định của công ty cho vay. Nhưng tôi sợ nhất việc cả gia đình, người thân đều bị khủng bố”, anh Hùng nói.
Anh Hùng chỉ là một trong nhiều khách hàng phản ảnh bị các công ty tài chính cho vay tiêu dùng đòi nợ kiểu khủng bố tinh thần. Trên các nhóm online, nhiều người dân cũng phản ảnh tình trạng bị công ty đòi nợ kiểu khủng bố. Anh Nguyễn Nguyên (Hà Nội) phản ảnh, khoản nợ quá hạn của anh bị công ty cho vay tiêu dùng bán sang công ty thu hồi nợ với cách hành xử côn đồ. “Họ rải tờ rơi in hình ảnh và địa chỉ nhà tôi. Sau đó, đến nhà riêng của tôi uy hiếp và ngồi đối diện nhà để theo dõi”, anh Nguyên chia sẻ câu chuyện của mình trên group.
Gần đây, ông Lê Thành Tâm (ở phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM) sau khi vay tiền của Công ty tài chính FE Credit đã bị một nhóm đối tượng đến nhà đe dọa, chửi bới, hành hung. Sau đó, các đối tượng này áp giải vợ chồng ông Tâm về trụ sở công ty để tiếp tục uy hiếp trong nhiều giờ. Sau đó có thông tin ông Tâm tự tử vì bị thu hồi nợ. Theo đại diện công ty FE Credit, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ sự việc. Đại diện FE Credit nói rằng, ông Tâm đang có hai khoản nợ quá hạn hơn 8,5 tháng và 11,5 tháng với tổng dư nợ 51 triệu đồng tại công ty, nhưng khẳng định nhân viên của mình không đến nhà khách hàng này để thu hồi nợ.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh
Không thể phủ nhận nhu cầu của xã hội về cho vay tiêu dùng nhưng hai năm trở lại đây, trước những lộn xộn của các công ty tài chính, tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường quản lý. Ngoài việc quy định tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ cho vay giảm từng năm xuống mức 30% vào 2024 (có thời điểm, FE Cerdit là công ty tài chính có tỷ trọng giải ngân tiền mặt cao nhất lên tới gần 80%), NHNN cũng nghiêm cấm việc “đòi nợ như xã hội đen”.
Trước thông tin nghi vấn khách hàng FE Credit tự tử, NHNN đã có công văn yêu cầu các công ty tài chính cần khẩn trương rà soát toàn bộ quy định nội bộ về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ. Cụ thể hơn, về vụ việc đòi nợ của Cty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) đối với khách hàng, NHNN đã ban hành công văn số 4660/NHNN-TTGSNH và công văn số 4661/NHNN- TTGSNH. Theo đó, NHNN yêu cầu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, FE Credit và Công ty tài chính TNHH HD Saison, Công ty tài chính TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam rà soát toàn bộ các quy định nội bộ của FE Credit về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ, rà soát lại các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ nợ, bán nợ để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định.
“Chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng của FE Credit, trong đó bao gồm việc xét duyệt, cấp tín dụng; theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ; thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận của FE Credit với các đối tác thu hồi nợ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của FE Credit”, NHNN yêu cầu.
NHNN cũng yêu cầu công ty tài chính TNHH HD Saison, Công ty tài chính TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam rà soát toàn bộ các quy định nội bộ và việc thực hiện các quy định nội bộ của công ty về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ. Cùng đó, rà soát các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ nợ, bán nợ để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định pháp luật.
“Các ngân hàng, các quỹ tín dụng cần gia hạn nợ ít nhất trong vòng từ 3- 6 tháng cả lãi và gốc cho những người đi vay đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trong trường hợp người đi vay mất hoàn toàn khả năng thanh toán, vỡ nợ, các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính cần phải thương lượng để thống nhất giải quyết như giảm nợ, đưa ra một lộ trình trả nợ mới sau thời gian ân hạn, có thể giảm lãi suất cho họ”. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Tự tử vì bị đòi nợ?
Ngày 1/7, Công an quận Gò Vấp, TPHCM vẫn đang thụ lý điều tra vụ một người đàn ông nhảy cầu tự tử, nghi do mất khả năng trả nợ. Nạn nhân là ông Lê Thành Tâm (SN 1978, ngụ quận Gò Vấp). Nhiều người cho rằng, ông Tâm tự vẫn vì áp lực bị khủng bố sau khi vay nợ không trả được.
Trước đó, khoảng 5h sáng 21/6, ông Tâm chạy xe máy lên giữa cầu Phú Long đoạn qua thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, để lại đôi dép, xe máy và giấy tờ rồi nhảy xuống sông Sài Gòn tự vẫn. Nhiều người phát hiện sự việc chạy đến ứng cứu nhưng không thành, thi thể ông Tâm được cơ quan chức năng tìm thấy sau đó. Qua kiểm tra trên người nạn nhân, Công an phát hiện trong ví nạn nhân có 1 hợp đồng vay tiền.
Xung quanh vụ anh Lê Thành Tâm nhảy cầu tự tử (nghi do bị FE Credit đòi nợ), Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu VPBank chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng của FE CREDIT và nếu phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm.
Ngày 26/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin về vụ việc, nếu đúng như nội dung báo chí phản ánh, phải xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/7/2020.