Hàng cấm tung hoành chợ mạng

Thu giữ 300kg linh kiện vũ khí tự chế tháng 4/2020 tại Hà Nội
Thu giữ 300kg linh kiện vũ khí tự chế tháng 4/2020 tại Hà Nội
TP - Cận Tết Nguyên đán, thị trường mua bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc trên mạng  xã hội "nóng" hơn bao giờ hết. 

Tận dụng khả năng lan tỏa cũng như tiếp cận trực tiếp khách hàng, những đối tượng buôn bán, hàng giả, hàng cấm ráo riết  săn khách hàng. Thay vì chỉ tập trung mua bán trực tiếp, các ứng dụng Facebook, Zalo rồi Youtube, Tiktok và nhiều ứng dụng mạng xã hội khác được những đối tượng này khai thác triệt để bán hàng.

Xem hàng nóng

Bày mẹo chơi súng không bị công an “sờ gáy”, các đối tượng bán hàng tận tình hướng dẫn khách nguỵ trang trong túi đựng cần câu cá. “Túi phải là loại có độ dài tương đương súng, cắm thêm một cái cần nhô đầu ra ngoài, để người ta biết là đi câu cá. Môn câu bây giờ nhiều lắm, không thể ai đi cũng kiểm tra”, kênh Youtube Súng hơi xuyên Việt bày cách.

Kết quả tìm kiếm cho các từ khoá súng, đạn, dao kiếm, pháo, tiền giả, … lập tức dẫn người xem tới những trang cá nhân, trang bán hàng, hội nhóm hàng nghìn thành viên trên mạng xã hội: “Tiền giả uy tín 100%”; “Tiền giả không cọc hàng giống thật 98%”; “Shop vũ khí tự vệ”; “Pháo hoa không cọc Tết 2021”. Hình ảnh, video sản phẩm kèm số điện thoại mua hàng đều được công khai.

Như hội “Pháo Tết 2021” sau một tháng thành lập trên Facebook thu hút gần 6 nghìn thành viên. Cận Tết, số lượng thành viên gia nhập mới lên kỷ lục - 4 nghìn thành viên chỉ trong một tuần qua. Trên trang này, lượt bài đăng hỏi mua, ngã giá liên tục diễn ra. Giá pháo rẻ nhất từ 20.000 đồng/quả pháo trứng và lên tới 700.000 đồng/bệ pháo lớn.

Hàng cấm tung hoành chợ mạng ảnh 1 Công khai rao bán vũ khí trên mạng xã hội

Vượt khỏi giao dịch nhóm kín, phô trương hơn, các đối tượng cũng tìm cách qua mặt các cơ quan chức năng thông qua việc “xâm chiếm” Youtube, Tiktok đăng tải video bắn súng, thử uy lực đạn, khoe tiền giả với hướng dẫn giao dịch rất chi tiết. Số điện thoại giao dịch luôn được dựng cạnh sản phẩm, chạy chữ hoặc chèn ngay trên tiêu đề. Tần suất đăng tải 1 - 5 video/ ngày. Sau vài tháng lập kênh, không ít tài khoản Youtube chuyên bán các loại vũ khí dễ dàng đạt triệu view (lượt xem).

Với 168 mã hàng và hơn 200 video giới thiệu súng hơi, súng tự chế, đạn và các phụ kiện đi kèm, kênh M.Đ Condor trên Youtube thu hút hơn 3 triệu view sau 9 tháng hoạt động. Video của kênh có hàng trăm lượt xem ngay sau ít giờ đăng tải. Nhiều video trong số đó vượt 100 nghìn view chỉ sau thời gian ngắn.

Tương tự, rất nhiều kênh bán hàng nóng triệu view như T.Đ PCP, PCP Miền giữa, Airsoft Việt Nam, ...cũng đang hàng ngày, hàng giờ công khai thực hiện việc mua bán các loại hàng cấm.  Kỷ lục, video bán súng pcp bi sắt 1,7 triệu đồng của kênh Ẩm thực quê hương đạt 2,6 triệu view, thu hút 1,7 nghìn bình luận hỏi mua, tranh cãi giá thành đắt rẻ, công lực súng. Dù mang tên kênh Ẩm thực nhưng tuyệt nhiên kênh này không có nội dung ẩm thực.Các video của kênh đều xoay quanh súng.Cách tạo vỏ bọc này được nhiều con buôn áp dụng triệt để. Một số địa chỉ nguỵ trang dưới tên gọi đồ chơi trẻ em, đồ tự vệ.

Nền tảng MXH Tiktok cũng xuất hiện ngày càng nhiều video bán hàng giả, hàng cấm, nổi cộm nhất tiền giả. Ngang nhiên giao dịch với những cái tên “Tiền giả chất lượng”; “Tiền giả miền Bắc”; “Shop tiền giả uy tín”, chủ kênh quay lượng tiền “khủng”, vò tiền chứng minh chất lượng cho người xem. Số điện thoại công khai ghi trên video, một số con buôn báo tỷ lệ đổi tiền lên tới 1:15 (1 triệu đồng tiền thật, đổi 15 triệu đồng tiền giả - PV). Những kênh này cũng thu hút hàng trăm nghìn người xem, tương tác.

Thâm nhập “thị trường ngầm”

Lần theo video chào hàng trên Youtube của một địa chỉ được nhiều người dùng giới thiệu uy tín, trong vai người có nhu cầu mua súng hơi,  phóng viên liên lạc tới số điện thoại 0337107xxx. Người đàn ông nghe máy nói tiếng Bắc, giọng giống với người đàn ông chuyên giới thiệu trong các video trên kênh Youtube T.Đ PCP.

Không vồ vập giới thiệu hàng, ông ta để khách nói ra nhu cầu trước, sau đó mới chào hàng. Ngỏ ý tìm súng hơi giá dưới 10 triệu cho người mới chơi, phóng viên được hướng dẫn lựa chọn giữa hai dòng súng fx và condor. “Có nhiều. Fx đang có con 9 - 9,5 triệu đồng, 6 -7 triệu đồng cũng có. Condor cũng thế”, người này giới thiệu.

Theo tư vấn, khác biệt giữa các tầm giá chủ yếu ở chất lượng kính ngắm và nòng.Chủ hàng nói: “Bộ hơi, van, bình có tiền thì mua. Súng đã có phụ kiện đi kèm, bơm mua riêng”. Ông ta chỉ cho biết mình ở Hà Nội và không tiết lộ gì thêm, giao dịch thực hiện qua chuyển khoản hoặc xe khách sẽ thu hộ khi giao hàng.Các tỉnh miền Bắc nhận hàng trong hai ngày.

Trong một video gần đây trên kênh Youtube T.Đ PCP, chủ kênh cảnh báo: “Dịp cuối năm công an làm rất căng. Để giữ cho đôi bên một cái tết ấm no, thời gian này em ngừng giao dịch một số tỉnh: Kon Tum, Kiên Giang, Long An do vừa bị bắt hàng. Khu vực phía Bắc vẫn nhận gửi xe, khu vực miền Nam ngừng giao dịch cho tới tết”.

Ông ta  còn liên tục văng tục khi thuật lại một giao dịch ngày 2/1/2021. Theo chia sẻ, người này đã có kinh nghiệm gần 2 năm bán súng với 3 tài khoản Youtube uy tín. Khách mua được phép kiểm tra hàng, đúng hàng mới thanh toán. Thế nhưng, vị khách hôm đó đòi bắn thử thì trả tiền, khiến người này tức giận, lo sợ: “Chơi đồ nhaỵ cảm mà chơi như thế này thì phá sân chơi của toàn bộ anh em rồi”.

Không chỉ hoạt động đơn lẻ, các tay buôn lớn còn hình thành hệ thống cộng tác viên (CTV) khắp cả nước. Số lượng áp đảo các trang khác,tài khoản Youtube Trần Vic đang phát triển rất mạnh khi giới thiệu có tới 20 “chân rết” vệ tinh bán hàng. Người này cho biết, mình thuộc nhóm đời đầu bán hàng nóng trên Youtube, kinh doanh đã được 5 năm.

Với số lượng CTV khủng, trang chính của chủ hàng này chỉ hoạt động cầm chừng, video nhỏ giọt, nhường sân cho đàn em. Trong vai người tìm mua súng, phóng viên liên hệ và  lập tức được bắt sóng. Phương thức giao dịch tương tự nhiều tài khoản Youtube khác, người này chỉ nhận gửi xe khách, không gặp trực tiếp.Để khách “hăng máu” chốt đơn sớm, anh ta liên tiếp gửi ảnh thành quả săn được của khẩu súng hơi 8 triệu đồng giới thiệu. Chất lượng súng và đạn chì 5,5mm giá 500.000 đồng/kg được chủ hàng hết lời khen là rất… sát mồi.

Ngoài các loại hàng cấm kể trên, súng, đạn quân dụng cũng được rao bán công khai trên mạng xã hội. Bài đăng dạng này không nhiều nhưng đặc biệt thu hút người xem, hỏi mua. Người bán cũng kín kẽ hơn trong giao dịch, chỉ tiếp khách thực sự có nhu cầu, đã tìm hiểu kỹ, nhanh chóng “vào việc”. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá mặt hàng này cao hơn súng hơi, số lượng không nhiều, được tuồn về qua đường Campuchia, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kì,… và có cả loại lắp ráp ở Việt Nam. Súng ngắn K54, K59 là dạng quân dụng được tìm kiếm phổ biến nhất, con buôn báo giá 10 - 24 triệu đồng/ khẩu.

Theo tố cáo của không ít nạn nhân trên các chợ mạng, nhiều đối tượng viện lý do hàng cấm, giao dịch nguy hiểm để đưa ra yêu cầu đặt cọc , chuyển khoản trước chuyển hàng rồi sau đó biệt vô âm tín. Chủ hàng biến mất, tài khoản mạng xã hội và số điện thoại đều không liên lạc được.  Manh mối duy nhất người mua có được là số tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, đây là giao dịch hàng cấm nên không ai dám lên tiếng tố cáo trước cơ quan chức năng. Việt Linh

MỚI - NÓNG