Hai Cty vàng Phước Sơn, Bồng Miêu tiếp tục phát sinh nợ thuế tiền tỷ

Chuyên gia mỏ vàng Phước Sơn và vàng đã được tinh chế.
Chuyên gia mỏ vàng Phước Sơn và vàng đã được tinh chế.
TP - Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục thuế Quảng Nam cho biết:  Nợ thuế của hai Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu tiếp tục phát sinh.

Tính đến nay số nợ thuế hai công ty này đang là 338 tỷ đồng. Trong đó, Cty vàng Phước Sơn nợ 270 tỷ đồng, Cty vàng Bồng Miêu nợ 68 tỷ. Hiện, Bộ Tài chính đang cử đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp với 2 công ty về tình hình nợ thuế để báo cáo và tham mưu Thủ tướng Chính phủ giải quyết vấn đề.

Phong tỏa tài khoản cũng chẳng làm được gì 

Theo ông Bốn, ngày 17/11 vừa qua, sau khi được Tổng cục Thuế xin ý kiến, Bộ Tài chính đã có ý kiến yêu cầu ngành thuế phải tiếp tục cưỡng chế đối với hai công ty này. Do đó,  hiện cả hai công ty đều áp dụng biện pháp dừng hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế dẫn đầu đang triển khai việc kiểm tra tại hai công ty.

Ông Nguyễn Cảnh, Bí thư huyện ủy Phú Ninh, nơi có mỏ vàng Bồng Miêu do Cty vàng Bông Miêu khai thác, cho rằng, các biện pháp cưỡng chế thuế đối với 2 công ty này là quá yếu.

Cục Thuế phong tỏa hóa đơn nhưng thực tế công ty bán vàng, giao dịch vàng đâu cần hóa đơn. Phong tỏa tài khoản thì người ta dùng tài khoản nước ngoài, không ai kiểm soát được.

Cty không chấp hành pháp luật nhà nước, dọa đóng cửa, không trả nợ cho các doanh nghiệp nhỏ, gây khó khăn cho nhân dân. Nhân dân mất niềm tin. Ngoài ra việc chênh lệch mức thuế 3% và 15% giữa 2 công ty, việc chuyển vàng từ Phước Sơn về Bồng Miêu ai kiểm tra, thu thuế cũng là vấn đề.

“Công ty nợ thuế nhưng vẫn hoạt động ung dung. Tôi lên trực tiếp hỏi Phó Giám đốc Cty Vàng Bồng Miêu liệu có trả được nợ thuế hay không? Tất cả trả lời không biết, vì công ty nước ngoài quyết, họ cũng chỉ là người làm thuê”, ông Cảnh nói.

Cũng theo ông Cảnh, hiện nay, Cty vàng Bồng Miêu đã hoạt động trở lại, sản lượng đạt khoảng 65%, năng suất cao hơn trước và đang dùng các phương tiện thủ công để mở rộng việc đào vàng ra ngoài 200ha cho phép để khai thác vàng khiến môi trường kiệt quệ.

“Quyền lực của chính quyền ta chưa đủ mạnh. Lãnh đạo tỉnh phải làm việc với Trung ương. Quan hệ làm ăn với nước ngoài thế nào đi nữa, nhưng tài nguyên khoáng sản là của chung phải được bảo vệ”, ông Cảnh nói.

Huyện Phước Sơn nơi Cty vàng Phước Sơn đang hoạt động khai thác tại mỏ vàng Đăk Sa, năm 2014 hụt thu ngân sách 177 tỷ đồng do cty này không nộp thuế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu chi ngân sách của địa phương. Ngoài ra, việc Cty vàng Phước Sơn nợ hàng chục doanh nghiệp, đầu mối cung ứng hàng trăm tỷ đồng khiến tình hình phức tạp mấy năm nay.

Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, bức xúc: Các giải pháp về thu hồi nợ thuế không kiên quyết. Tỉnh phải kiến nghị với Trung ương có giải pháp quản lý sản lượng vàng khai thác.

Hiện nay, chưa có cơ quan nào giám sát việc này, thuế cty nộp chỉ dựa trên sản lượng họ tự kê khai. Một tập đoàn đầu tư 2 doanh nghiệp nhưng thuế suất khác nhau, nên không loại trừ việc trao đổi sản lượng giữa hai mỏ vàng để hưởng chênh lệch do thuế suất.

Cũng theo ông Quyền, điều huyện đang lo lắng nhất hiện nay khi Cty vàng Phước Sơn ngừng hoạt động, hồ chứa thải rộng 9,6ha với 500.000 m3 quặng thải chứa chất độc hại không được quản lý vận hành có nguy cơ vỡ, nhất là trong mùa mưa bão.

Ông Đoàn Văn Viên, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam cũng bức xúc: “Tỉnh phải kiến nghị Trung ương giải quyết vấn đề nợ thuế của 2 công ty vàng. Nếu không giải quyết được thì đóng cửa giữ tài nguyên cho đất nước, không có ai tự rút ruột quốc gia một cách tùy tiện như vậy”.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Về vấn đề giám sát, chính quyền địa phương phải đứng ngoài, vì theo Luật Đầu tư nước ngoài người ta đã làm đúng. Cục thuế làm đúng  luật và làm rất căng về vấn đề nợ thuế nhưng vẫn không thể thu hồi.

Hiện nay, đoàn của Bộ Tài chính đang làm rõ nguyên nhân để xử lý tồn đọng. Khi có kết quả, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương xử lý vấn đề vì việc cấp phép thuộc thẩm quyền của Trung ương. 

“Quan điểm của tỉnh là phải thu hồi được nợ thuế, không thể bỏ. Biện pháp cuối cùng sẽ cưỡng chế tài sản, vì tài sản họ đã đầu tư hơn 40 triệu USD vẫn còn đó, chưa tháo dỡ gì. Doanh nghiệp ở đây, tập đoàn lớn thì không chạy đi đâu hết”, ông Thanh nói.

Theo Sở tài chính Quảng Nam, 10 tháng đầu năm 2014, Cty Vàng Phước Sơn chỉ nộp 18,57 tỷ đồng trong khi dự toán giao là 233 tỷ đồng, Cty vàng Bồng Miêu không nộp ngân sách cho tỉnh. Việc 2 công ty vàng này không thực hiện các nghĩa vụ thuế dẫn đến hụt thu ngân sách của tỉnh và hai huyện Phước Sơn, Phú Ninh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.