Hai công ty vàng ở Quảng Nam: Nan giải 300 tỷ đồng nợ thuế

Ảnh: Công an Nhân dân
Ảnh: Công an Nhân dân
TP - Hai mỏ vàng Bồng Miêu và Đăk Sa ở Quảng Nam được đánh giá có trữ lượng khoảng 20 tấn, được giao cho Tập đoàn Besra đầu tư. Mỏ vàng Bồng Miêu được ưu đãi đặc biệt với mức thuế tài nguyên suốt dự án là 3%, nhưng Besra vẫn “la làng” làm ăn thua lỗ, nợ thuế Quảng Nam gần 300 tỷ đồng và nợ đầm đìa các doanh nghiệp là đối tác làm ăn. 

Besra bắt đầu tìm kiếm và thăm dò tại Việt Nam vào đầu năm 1991. Theo số liệu thăm dò trữ lượng, mỏ vàng Bồng Miêu (Phú Ninh) có trữ lượng khoảng 12,3 tấn, mỏ vàng Phước Thành (Phước Sơn) có trữ lượng khoảng 11,7 tấn, mỏ vàng Đăk Sa (Phước Đức, Phước Sơn) có trữ lượng khoảng 7,2 tấn. 

Tập đoàn này bắt đầu công tác phát triển mỏ năm 2004, sau khi nhận thấy tại thời điểm đó, mức thuế tài nguyên là 6% và không có phí môi trường. Năm 2006, nhà máy vàng Bồng Miêu bắt đầu hoạt động. Năm 2008, xây dựng phát triển ở mỏ Phước Sơn và đưa nhà máy vàng Phước Sơn vào hoạt động năm 2011. 

Besra cho biết đã khai thác được 6,9 tấn vàng tại hai mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn. Tuy nhiên, hai Cty vàng thuộc tập đoàn này là Cty TNHH Vàng Phước Sơn và Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu vẫn còn thiếu nợ thuế Quảng Nam gần 300 tỷ đồng và hàng chục tỷ đồng với các đối tác làm ăn. 

Theo tính toán của giới buôn bán vàng, nếu tính giá vàng rẻ nhất hiện nay là khoảng 30 triệu đồng/lượng thì với số lượng vàng 6,9 tấn mà tập đoàn đã lấy đi từ hai mỏ vàng Bồng Miêu là hơn 5.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 250 triệu USD. 

Ông Lương Đình Đường, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho biết, số thuế của Cty vàng đang nợ vốn dĩ đã được cơ cấu, tính vào trong giá bán vàng. 

Khi Cty bán vàng đủ doanh thu rồi thì tiền thuế này đã ở trong đó và Cty phải có trách nhiệm nộp số tiền thuế đó cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Cty đã sử dụng số thuế này vào một mục đích khác mà không nộp vào ngân sách nhà nước. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng về luật quản lý thuế. 

Theo ông Đường, khi được cấp giấy phép đầu tư, vấn đề liên quan đến thuế đã được ghi rõ trong giấy phép đầu tư ngay từ khi Cty bắt đầu triển khai dự án. Riêng nhà máy vàng Bồng Miêu đã có “ưu đãi đặc biệt” khi thuế tài nguyên suốt dự án chỉ ở mức 3%. Tuy nhiên, đến nay, nhà máy này vẫn nợ thuế tài nguyên và các khoản thuế khác hàng chục tỷ đồng. 

Theo ông Đường, vào năm 2012, có thời điểm Cty Vàng Phước Sơn sản xuất đỉnh cao với 100kg/tháng (tương đương 1,2 tấn vàng/năm), nhưng Cty vẫn không nộp thuế.

Theo Cục Thuế Quảng Nam, 2 Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu từ cuối năm 2012 chậm nộp thuế, trong khi vàng vẫn bán ra. 

Cục Thuế đã dừng cưỡng chế 8 tháng, nhưng Cty vẫn không nộp. Đến tháng 4/2014, buộc áp dụng cưỡng chế thuế lần 2. UBND tỉnh chỉ đạo xem xét gia hạn nộp thuế không quá 24 tháng, tuy nhiên, quy định không quá 12 tháng.

Việc chỉ đạo lần này khiến Cục Thuế Quảng Nam phải báo cáo Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính nhờ can thiệp, giải quyết. Chưa biết đến bao giờ số nợ thuế gần 300 tỷ đồng mới được thu hồi.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.