Chuyển giao bắt buộc vẫn là mua ngân hàng 0 đồng?

Chuyển giao bắt buộc vẫn là mua ngân hàng 0 đồng?
TPO - Chấm dứt mua Ngân hàng 0 đồng là tinh thần thống nhất khi Chính phủ thảo luận về dự thảo Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu (ngày 11/4). Trước thông tin vừa được đưa ra, giới chuyên gia khẳng định, đây thực chất chỉ là vấn đề câu chữ. Đại diện NHNN thì cho rằng khi xử lý ngân hàng yếu kém phải làm theo thứ tự lộ trình.

 Thay 0 đồng bằng chuyển giao bắt buộc

Theo thông tin từ trang Chinhphu.vn, một trong những vấn đề được thảo luận tại phiên họp là về biện pháp mua bắt buộc. Theo NHNN, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức tín dụng được chỉ định hoặc Ngân hàng Nhà nước. Đây là biện pháp áp dụng cho tổ chức tín dụng có thực trạng yếu kém nhất, điều kiện, quy trình, thẩm quyền cũng được quy định chặt chẽ nhất.

Giải trình vấn đề này, NHNN cho biết, về nguyên tắc, biện pháp chuyển giao bắt buộc là biện pháp cuối cùng để xử lý khi ngân hàng thương mại yếu kém không thể thực hiện được phương án phục hồi, cũng không thể thực hiện được phương án giải thể (do không có khả năng thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ) và không thể thực hiện được phương án phá sản do tác động quá lớn đến an ninh tài chính, nền kinh tế và trật tự, an toàn xã hội. Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của NHNN là cần có quy định về biện pháp này.

Như vậy, cùng với các biện pháp xử lý khác đã nêu trong dự án luật, các ý kiến cũng thống nhất từ nay trở đi, sẽ không đặt ra vấn đề NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng. Các ngân hàng yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NHNN mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.

Mua bắt buộc chính là 0 đồng?

Liên quan đến câu chuyện đang nóng hổi này, ngày 13/4, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công, Trường ĐH Fulbright Việt Nam đã lên tiếng cho rằng: Thông điệp về chấm dứt việc mua ngân hàng 0 đồng thực chất chỉ là vấn đề câu chữ.

Cụ thể, ông Thành cho biết: Điểm lớn nhất trong dự thảo luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là cụ thể hóa trình tự xử lý các TCTD yếu kém đã bị đặt vào tình trạng giám sát đặc biệt theo phương án phục hồi, xử lý pháp nhân, mua bắt buộc.

Theo ông Thành, phá sản là một biện pháp được thực hiện với TCTD trong gói phương án xử lý pháp nhân. Khi thực hiện hình thức phá sản, Chính phủ sẽ quyết định mức cho vay đặc biệt để chi trả số tiền gửi cá nhân còn lại sau khi đã được Bảo hiểm tiền gửi chi trả, nhưng không chi trả cho người gửi tiền là cổ đông lớn, người điều hành và người liên quan của ngân hàng.

Giải pháp mà Dự thảo luật đưa ra là NHNN thực hiện mua bắt buộc với một điều kiện quan trọng là “giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng”. Vậy, mua bắt buộc phải bằng giá nào nếu không phải là 0 đồng? Đương nhiên về mặt kỹ thuật không thể mua với giá âm đồng. Vốn chủ sở hữu đã âm, các tổ chức/nhà đầu tư trên thị trường đều đã chê, thì làm sao Nhà nước có thể mua với giá dương đồng?

Kết luận, ông Thành nhấn mạnh: “Vậy, nói là chấm dứt việc mua NH 0 đồng nhưng nếu thực hiện mua bắt buộc thì vẫn phải là mua 0 đồng. Còn nếu không 0 đồng, thì phải điều chỉnh lại là NHNN chỉ đứng ra tiếp quản hay nhận chuyển giao, chứ không mua bắt buộc. Ngay khi dùng ngôn từ này thì về thực chất, các cổ đông hiện hữu của TCTD cũng mất quyền cổ đông.”

Trong giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng 2011- 2015, Việt Nam có ba ngân hàng bị mua lại giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây dựng - VNCB, Ngân hàng Đại Dương - Ocean Bank; Ngân hàng Dầu khí toàn cầu - GP Bank. Trong đó, Ngân hàng Xây dựng là nhà băng đầu tiên bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015. Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là trường hợp thứ 2, vào ngày 25/4/2015. Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) là nhà băng thứ 3, mua lại ngày 7/7/2015.

Mới đây, người phát ngôn của Chính phủ cho biết Chính phủ đã báo cáo và Bộ Chính trị đã quyết định giao cho Chính phủ lập ban tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Mục tiêu nhằm minh bạch vẫn bảo đảm quyền lợi người gửi tiền nhưng phải xử lý công bằng, minh bạch nợ xấu, lãi suất ngân hàng đang quản lý và ổn định lãi suất. Dự kiến thành phần ban chỉ đạo ngoài đại diện lãnh đạo Chính phủ, sẽ có các thành viên đến từ Ngân hàng Nhà nước,  Bộ Tài nguyên môi trường; Bộ Tư Pháp, Bộ Công an.

NHNN nói gì?

Trao đổi với Tiền phong, một đại diện NHNN cho biết dự thảo Luật được xây dựng trên thực tế những vấn đề đã xảy ra. Việc Ngân hàng hoạt động yếu kém, âm vốn chủ sở hữu không thể tự phục hồi, sau khi đã áp dụng các biện pháp như kiểm soát đặc biệt; xử lý pháp nhân mà không hiệu quả thì rõ ràng khi đó Nhà nước phải vào xử lý can thiệp. ”Phá sản ngân hàng là điều không thể vì hệ luỵ rất kinh khủng. Còn nay không mua 0 đồng nữa mà  sau khi xử lý hàng loạt biện pháp không có kết quả, mới áp dụng hình thức chuyển giao bắt buộc”, vị này nói. Bình luận về lộ trình như đại diện NHNN nói, ông Nguyễn Xuân Thành vẫn giữ quan điểm không cần thiết phải đi đủ các bước thông thường đó, có thể “nhảy cóc” mà làm.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.