Cùng với việc tăng vốn, cơ cấu cổ đông của đơn vị này có nhiều biến động khá. So với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, việc tăng vốn của AVG cũng có nhiều đột biến.
AVG được cấp giấy phép chứng nhận kinh doanh lần đầu vào ngày 15/8/2008 và chính thức hoạt động từ ngày 1/10/2008 với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong Thông tin về cổ phần, tổng số cổ phần được quyền chào bán không được thể hiện trong giấy phép cấp lần đầu cho AVG. Tại thời điểm thành lập, AVG có 6 tổ chức và cá nhân sáng lập. Trong đó, Công ty CP Viễn thông và truyền thông An Viên nắm giữ 10,8 triệu cổ phần, tương ứng số vốn góp 108 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Công ty Dịch vụ truyền thanh, truyền hình Hà Nội (do ông Lê Đình Cường làm đại diện) góp vốn lần lượt 21 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập thứ tư của AVG là Công ty TNHH Sản xuất nghe nhìn Nhân Văn do bà Huỳnh Thị Thu Dung làm đại diện) góp 12 tỷ đồng trong khi cổ đông sáng lập thứ năm là Công ty CP Tổ chức biểu diễn Venus (do ông Nguyễn Duy Thái Dương làm đại diện) góp 13,092 tỷ đồng. Cá nhân ông Phạm Nhật Vũ nắm giữ 18.190.800 cổ phần, tương ứng số tiền hơn 181,9 tỷ đồng. Với số vốn góp nhiều nhất, ông Phạm Nhật Vũ, sinh ngày 5/1/1973 là người đại diện pháp luật của AVG và nắm giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.
Tính đến ngày 5/1/2011, AVG, lần thứ 4 kể từ khi thành lập, tiếp tục thực hiện một loạt thay đổi trong giấy đăng ký doanh nghiệp như: Thay đổi địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh, thông tin về vốn, thông tin về cổ phần, về cổ đông sáng lập…Theo thông báo này, thông tin cổ phần của AVG sau khi điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh đã tăng gấp đôi, lên 70,2 triệu cổ phần. Số cổ phần được quyền chào bán là 252 triệu cổ phần, cũng tăng gấp đôi so với lần điều chỉnh giấy phép trước đó của công ty. Ông Vũ lúc này là người đại diện công ty với chức danh Chủ tịch HĐQT và công ty vẫn có 6 cá nhân, tổ chức tham gia góp vốn như khi mới thành lập.
Hơn ba tháng sau đó, ngày 22/4/2011, AVG tiếp tục thực hiện thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần thứ năm liên quan đến hình thức đăng ký, thông tin về vốn. Tuy nhiên, rất ít thông tin liên quan đến việc thay đổi cơ cấu vốn cũng như cơ cấu cổ đông của công ty được công bố ra bên ngoài.
Đáng chú ý, tại lần thay đổi đăng ký kinh doanh thứ sáu, ngày 6/2/2013, tổng số cổ phần của AVG đã được nâng lên tới hơn 362,18 triệu cổ phần với tổng số cổ phần được quyền chào bán cũng tăng lên đến 2,52 tỷ cổ phần. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã không còn có tên trong danh sách cổ đông của AVG. Một đại diện của BIDV cho biết trong thương vụ này, thoả thuận BIDV tham gia đã không thực hiện được và BIDV chưa hề xuất vốn.
Đến ngày 19/8/2013, AVG tiếp tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ bảy với nội dung bổ sung 21 ngành nghề kinh doanh. Tổng số cổ phần được ghi nhận trong lần thay đổi giấy chứng nhận của công ty giảm xuống còn hơn 177,1 triệu cổ phần. Danh sách cổ đông sáng lập của công ty cũng chỉ còn duy nhất tên ông Phạm Nhật Vũ với tổng số cổ phần nắm giữ hơn 88,5 triệu cổ phần, tương ứng giá trị hơn 885 tỷ đồng. Nếu so với thời điểm mới đăng ký. Số tiền và số cổ phần nắm giữ của ông Vũ đã tăng gần gấp 5 lần. Theo đăng ký, công ty có chức năng sản xuất thiết bị truyền thông, sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình, hoạt động truyền hình, hoạt động viễn thông khác, lắp đặt hệ thống điện…
Ngày 25/1/2013, AVG tiếp tục được cấp đăng ký thay đổi lần thứ tám với việc thay đổi người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh, thông tin về thuế, về vốn, về cổ đông sáng lập. Theo giấy phép mới này, tổng số lao động theo đăng ký của AVG là 15 người, công ty có đăng ký xuất khẩu và người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Tô Đông, Tổng giám đốc. Danh sách cổ đông sáng lập lại quay trở về 5 tổ chức và cá nhân giống như trước đây, ngoại trừ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Số cổ phần nắm giữ của các cá nhân và tổ chức đều không được thể hiện, ngoại trừ hơn 88,5 triệu cổ phần của cá nhân ông Vũ.
Đặc biệt, chỉ sau gần 2 tháng kể từ khi AVG có văn bản gửi Bộ TT-TT báo cáo, xin chỉ đạo về việc chuyển nhượng 75% cổ phần cho đối tác nước ngoài với giá 525 triệu USD và đã nhận đặt cọc 10 triệu USD và chỉ đúng 2 ngày sau khi Bộ Công an có văn bản đề nghị Bộ TT-TT hướng dẫn AVG bán cổ phần cho đối tác trong nước, tốt nhất là doanh nghiệp nhà nước, đến ngày 10/12/2014, trong lần thay đổi giấy phép lần thứ 10, số vốn góp, nắm giữ của ông Vũ tăng lên hơn 120 triệu cổ phần, tương ứng phần vốn góp của ông Vũ tại AVG là hơn 1.200 tỷ đồng. Tổng số cổ phần của công ty cũng nâng lên thành 241,6 triệu cổ phần.
Cũng chỉ sau hơn 1 tháng kể từ khi thay đổi giấy phép kinh doanh lần thứ 10 và trước đúng 4 ngày kể từ khi MobiFone trình Bộ TT-TT phương án mua hãng truyền hình kỹ thuật số AVG, đến ngày 23/1/2015, AVG tiếp tục thay đổi giấy chứng nhận kinh doanh lần thứ 11 với tổng số cổ phần lên thành 402,6 triệu cổ phần, tăng gấp đôi so với hơn 1 tháng trước đó. Số vốn của ông Vũ tại AVG cũng tăng tương ứng gấp đôi, với giá trị hơn 2.013 tỷ đồng. Còn nếu tính đến ngày 31/3/2015, thời điểm thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG. Thời điểm này vốn điều lệ của AVG đã tăng lên thành 3.628 tỷ đồng (tăng gần 1.500 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2014).
Chỉ ít ngày sau khi MobiFone ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với tổng giá trị 8.889,8 tỷ đồng (hợp đồng ký ngày 25/12/2015), đến ngày 5/1/2016, AVG thay đổi giấy phép đăng ký lần thứ 12 với tổng số cổ phần nắm giữ còn lại được ghi nhận là 870.720 cổ phần. Cá nhân ông Phạm Nhật Vũ nắm giữ số cổ phần tương ứng giá trị lên tới hơn 4.353 tỷ đồng.
AVG thuộc tập đoàn An Viên là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phát trên hệ thống truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH), sử dụng công nghệ truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2), chuẩn nén MPEG4, công nghệ mạng đơn tần SFN. Hiện tại, AVG đã đổi tên thương mại là MobiTV. AVG là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số thứ ba tại Việt Nam có phạm vi phủ sóng toàn quốc sau Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC). AVG là đơn vị tư nhân thứ hai (trước đó có K+) tham gia vào việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số vệ tinh ở Việt Nam. Năm 2010, AVG đã gây xôn xao dư luận bằng việc mua bản quyền các giải bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức với thời hạn là 20 năm.