Cửa hàng bán đồ lưu niệm ở chợ nổi đông du khách
Kinh đô cổ Ayutthaya cách Thủ đô Bangkok 76 km về phía Đông Bắc của Thái Lan, nay gọi là tỉnh Ayutthaya. Đường đi lên đó bon bon xe ô tô tốc độ gần trăm cây số, về tỉnh “vùng xa” mà đường giao thông xem ra tốt không thua con đường cao tốc hạng nhất của Việt Nam.
Ayutthaya là một tổ hợp di tích gồm rất nhiều đền, chùa, bảo tàng…Kinh đô của Thái Lan từ giữa thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 18 (bị Myanma xâm lược tàn phá vào năm 1767), đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại vào tháng 12/1991.
Cổng chào trên đường phố Kinh đô cổ Ayutthaya
Ngày 3/2, Ayutthaya hoàn toàn bình yên, khách du lịch rất đông. Hàng trăm di tích trải dài trên diện tích rất rộng, hầu hết là phế tích nhưng rất hấp dẫn, xe của phóng viên chạy nhiều tiếng đồng hồ xuyên qua ngang dọc, ở đâu cũng thấy nhiều xe ô tô lớn nhỏ và du khách nườm nượp.
Khi vào khu chợ nổi cũ xưa lừng danh của Thái Lan, nay là điểm bán hàng lưu niệm và ăn uống khổng lồ trên mặt nước, Ayutthaya Floating Market, PV Tiền Phong gặp một người đồng hương. Anh Lê Văn Thắng, đang quản lý bãi giữ xe, vui vẻ cho biết, quê anh ở xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cùng vợ con sang Thái Lan làm việc đã hai năm, có chút vốn góp với ông chủ mở bãi giữ xe và kiêm luôn quản lý.
Du khách chen vai ở một gian hàng bán đặc sản tại Kinh đô cổ Ayutthaya
Ngày hôm qua, bầu cử, khách du lịch rất đông, bãi giữ xe của anh thu được 10 triệu đồng tính ra tiền Việt (một xe khoảng 20.000 đồng), gấp chục lần ngày thấp nhất. Nói chung, những ngày cuối tuần bãi xe thu được 7 – 8 triệu đồng tính quy đổi tiền Việt. Ở khu chợ nổi, có ba bãi giữ xe như của anh.
Anh Thắng (phải) với PV Tiền Phong tại bãi giữ xe
Về tình hình biểu tình của phe đối lập với Chính phủ Thái Lan, anh Thắng cười: vùng này không có, chỉ mới thấy treo biểu ngữ quảng cáo cho đại hội đảng này nọ nhưng hình như cũng chưa đại hội. “Người Thái Lan ít quan tâm đến chính trị, làm ăn họ cũng vô lo, được đồng nào vui vẻ chi tiêu đồng nấy chứ không phải quá lo vất vả làm giàu như người Việt hay người Hoa”, anh Thắng nói.
Quả thật, lời nói của anh Thắng có thể dễ dàng kiểm chứng ở các quầy bán hàng lưu niệm và ăn uống mà PV Tiền Phong có dịp ghé vào ở Ayutthaya.
Giá cả rất dễ chịu, các ông bà chủ trò chuyện nhẹ nhàng vui vẻ, không mua cũng không sao, không bị lườm nguýt hay lời nặng nhẹ như ở bên nước nhà thân yêu. Khi trả tiền cho anh Thon lái taxi thuê hai ngày qua, anh trả lại 100 bạt (khoảng 70.000 đồng Việt) nói rằng, trả tiền ăn uống. Phóng viên “bo” cho anh, anh rất vui vẻ.
Trên đường về, hơn 18 giờ, tới đường Lan Luang ở Thủ đô Bangkok mới gặp những người biểu tình ngăn đường nằm ngủ.
Anh Thon rẽ ngay vào con hẻm để tránh, vui vẻ khoe “lái xe đã 18 năm nay nên thạo đường”.