Từ khu vực Gò Cao, ngã tư Hội Phú (xã Mỹ Hòa) đến ngã ba dốc Mã Đá, dọc QL 1A ngang qua thôn Diêm Tiêu (thị trấn Phù Mỹ), thôn Trà Lương (xã Mỹ Trinh)… từ sáng đến tối nườm nượp người mua kẻ bán, vận chuyển, bốc xếp kiệu lên xe tải. Những bao tải kiệu nối đuôi nhau từ các cánh đồng tuôn về các vựa rồi lên xe tỏa đi khắp nơi.
Ông Đỗ Cao Trí, thôn Trung Hậu (xã Mỹ Trinh), cho biết: “Ở đây nhà nhà trồng kiệu nên tháng chạp già trẻ gái trai đều kéo ra đồng thu hoạch mùa kiệu cho kịp để thương lái xuất đi các nơi. Mất nửa năm trồng và chăm sóc nhưng thu hoạch chính chỉ trong vòng nửa tháng là ôm tiền mặt về ăn tết”.
Gia đình ông Trí trồng trên 5 sào kiệu, đều được thương lái đến đặt mua tận ruộng nên những ngày này chỉ dồn sức ra nhổ chứ không phải cân đo đong đếm như những người khác thu mua kiệu lẻ.
Mỗi sào ông thu về 7-10 triệu đồng, đã trừ chi phí, tính ra mỗi mùa thu hoạch cũng được trên dưới 50 triệu đồng.
Tại xã Mỹ Trinh, trung bình nhà ít cũng trồng trên 2 sào kiệu, nhiều thì 7-8 sào và đến thời điểm đầu tháng chạp là xuất đi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk; vào tận TPHCM, ra Hà Nội… Hiện, kiệu củ cỡ lớn, chắc thịt có giá 22.000 đ/kg, loại vừa 20.000 đ/kg, loại nhỏ 17.000 - 19.000 đ/kg, tăng giá hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 3.000-5.000 đ/kg.
Theo ông Ngô Đình Ba, Phó phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ: Tổng diện tích trồng kiệu của huyện năm nay trên 638 ha, năng suất khoảng 20 tấn/ha, tăng 10% so những năm trước.
Điều kiện thời tiết tương đối ổn định, ít mưa kiệu không bị ngập úng, năng suất bình quân đạt 400kg kiệu củ/sào (tăng 20-25%), tính ra người trồng kiệu thu được xấp xỉ 10-12 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng/sào.