Mô hình thư viện mini 303 Library (tiếng Anh: Thư viện 303) của Hiệp mới ra đời được hơn một năm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ. Hiệp tiết lộ, anh đã nhận được lời đề nghị mở rộng mô hình này tại Đà Nẵng và TPHCM. Việc làm của Hiệp được giới kiến trúc đánh giá là của hiếm vì thời buổi này, hiếm có ai tự nhiên bỏ công sức và tiền bạc vào công việc chả thu lại được đồng lợi nhuận nào.
10 năm tích cóp
Thư viện của kiến trúc sư sinh năm 1986 này mang tên khá giản dị, 303 Library. Đó chính là số của căn phòng rộng chừng 30m2, nằm trên tầng 3, khu H1, phố Kim Mã Thượng, nơi vốn là khu tập thể dành cho cán bộ của Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ngôi nhà này đã gắn với tuổi thơ của Hiệp khi cậu học tiểu học ở đây, cùng với bà ngoại. Nay bà ngoại đã mất, chủ nhân ngôi nhà (người bác của Hiệp) đã cho Hiệp sử dụng căn hộ sao cho có ích nhất. Hiệp đã nghĩ ngay tới việc mở một thư viện kiến trúc, song song với một văn phòng kiến trúc nho nhỏ mà Hiệp làm chung với 4 người bạn đại học.
Do thư viện mở cửa miễn phí, nên việc duy trì văn phòng kiến trúc kề bên để “nuôi” thư viện. Sách trong thư viện được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, có nhiều cuốn sách khổ lớn, đa phần là sách nước ngoài. Hoạt động của thư viện chủ yếu trên tinh thần tự giác. Thư viện mở cửa cùng thời gian với hoạt động của văn phòng kiến trúc bên cạnh. Các kiến trúc sư này kiêm luôn “người thủ thư”. Trên tường ở góc thư viện có tờ giấy trắng khổ A3 đính lên, ai mượn sách tự ghi tên mình, đầu sách và thời gian mượn vào đó. Do Hiệp còn làm việc cho một công ty kiến trúc ở bên ngoài, thỉnh thoảng mới đảo qua văn phòng và thư viện, nếu có hẹn. Mọi giao dịch giữa ông chủ thư viện và người mượn sách chủ yếu qua mạng, thông qua facebook 303 Library do Hiệp lập và nhờ một số bạn sinh viên quản lý giúp. Ai có nhu cầu mượn sách hoặc tìm sách gì, có thể “ới” trên facebook, Hiệp và các bạn sinh viên tình nguyện sẽ nhiệt tình chỉ dẫn.
Hiệp cho biết, ngay từ thời sinh viên, anh đã rất mê sách. Thế nhưng trường Đại học Kiến trúc, nơi Hiệp theo học, thư viện dành cho sinh viên chỉ có các cuốn sách cơ bản. Do đó, sinh viên ít có cơ hội được tiếp xúc với các sách quý hiếm. Hơn nữa, đa phần sách kiến trúc rất đắt và không dễ mua. Nhiều cuốn Xuất bản đã khá lâu, không còn trên thị trường, thỉnh thoảng có ai bán ra mới mua được. Hiệp cười hiền: “Không phải cứ có tiền là mua được.”
Khi được hỏi, Hiệp có sở thích sắm sách từ khi nào? Hiệp kể, hồi sinh viên, hay đi theo thầy và phụ giúp thày một số việc tại văn phòng kiến trúc. Lúc đó, Hiệp chỉ xác định đi học việc là chính, nên khi thầy đưa cho một ít tiền gọi là bồi dưỡng - đó là số tiền công lao động đầu tiên trong đời - Hiệp mừng đến sững sờ. “Khoản tiền 500.000 đồng cách đây gần 10 năm cũng giá trị phết đấy”. Hiệp nói. Và cậu sinh viên ngày đó nghĩ ngay đến việc mua sách. Đó là bộ sách hai cuốn “Kiến trúc thế kỷ 20” của Nhà xuất bản Đức Tashchen, nhập môn rất tốt cho dân kiến trúc. Tôi tò mò mở cuốn sách ra xem, thấy đề ngày mua 26/12/2006.
Rồi dần dà, cứ có đồng nào, Hiệp lại dành mua sách. Có lần, mẹ cho Hiệp một khoản tiền để mua xe máy tốt đi học. Hiệp hỏi: “Cho con mua xe rẻ tiền hơn để lấy số tiền dư ra đó mua sách được không?”. Không ngờ, mẹ đồng ý luôn.
Sách kiến trúc vốn rất đắt, đặc biệt là sách nước ngoài, toàn vài triệu đồng/ cuốn. Trong khi hệ thống thư viện tại các trường đại học thì rất kém, việc mở thư viện cá nhân để giúp sinh viên tiếp cận với sách quý như Hiệp thì phải cótâm huyết mới làm được. Ngoài ra, các hoạt động bên lề của thư viện cũng khá tốt. Hiệp đã không quản ngại khó khăn để tìm mọi cách để phổ biến sách, như đưa sách tới các trường đại học, tham gia các cuộc triển lãm về kiến trúc. Người như Hiệp bây giờ là của hiếm.
Kiến trúc sư Lê Việt Hà, Phó tổng biên tập tạp chí Quy hoạch Đô thị
Tính đến nay, Hiệp đã có tới hơn 1.000 đầu sách, không chỉ là sách về kiến trúc, quy hoạch, thiết kế mà còn có cả sách về điêu khắc, nhiếp ảnh, du lịch, lịch sử nghệ thuật. Phần lớn các cuốn sách bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, ngoài ra có cả sách song ngữ Anh - Nhật, đa ngữ Đức - Pháp - Anh. Hiệp cũng có một số sách VN, tuy số lượng khá khiêm tốn. Trong số sách Hiệp sở hữu, có những cuốn khá quý và anh phải mất 6 năm trời và nhờ bạn bè, đồng nghiệp ở nước ngoài mới mua được trọn bộ. Đó là bộ sách 3 tập về một kiến trúc sư, trong đó 1 tập mua được ở Mỹ, 1 tập mua được ở Nhật, 1 tập mua được ở Anh. Tôi hỏi, tổng chi phí đầu tư cho thư viện này là bao nhiêu. Hiệp trả lời không biết, vì cứ có đồng nào lại dành để mua sách chứ không ghi lại. Tôi nhẩm tính, với 1.000 đầu sách, rẻ thì vài trăm ngàn đồng, đắt thì vài triệu đồng, nếu tính trung bình 1 triệu đồng/ cuốn thì Hiệp đang sở hữu kho sách tiền tỷ. Nhưng giá trị tinh thần của kho sách ấy còn lớn hơn rất nhiều.
Hiệp cho biết, thời gian đầu, anh phải lọ mọ khắp các hiệu sách ở Hà Nội mua sách với giá khá đắt, vì sách kiến trúc không bao giờ rẻ, nhất là sách của “Tây”. Sau đó, dần dà Hiệp đã biết đến việc mua trên mạng và việc “săn” sách đã trở thành thú vui. Hiệp khoe: “Có cuốn trên trang Amazon lúc đầu bán với 4.000 - 5.000 USD, thế mà có lúc giảm giá rất nhiều và mình mua được với giá chỉ tầm 4 triệu - 5 triệu đồng (khoảng 200 USD), khoái lắm.”
Giờ đây, Hiệp đã khá thành thạo trong việc “săn” sách trên mạng, thậm chí, còn thường xuyên được bạn bè nhờ mua giúp, nhất là những đợt giảm giá. Từ khi mở thư viện, bạn bè biết, có người tặng hoặc cho mượn vài cuốn, có bạn đi du học nước ngoài thì gửi cho thư viện mượn, khi nào về thì lấy lại.
“Cho mượn sách quý hiếm như vậy có sợ mất không?”, tôi hỏi. Hiệp cười hiền, quả thật, ban đầu cũng rất ngại chia sẻ vì mình chắt chiu mãi mới mua được cuốn sách, cho mọi người mượn rất sợ rách, hỏng. Thế nhưng, khi mình có nhiều sách hơn, thì Hiệp lại thấy có nhiều người sử dụng sẽ tốt hơn, đỡ lãng phí nguồn tri thức của nhân loại. Và Hiệp tâm niệm: Càng chia sẻ, thì càng nhận lại được. Chính vì thế, ngày xưa Hiệp mua sách là mua cho mình, giờ thì mua cho mọi người. Việc lựa chọn đầu sách cũng thay đổi và phong phú hơn để phục vụ nhu cầu bạn đọc.
Liên kết các thư viện cả nước
Hiệp tự hào khoe: “Thư viện kiến trúc mặc dù nhỏ bé thôi, nhưng cũng có thể coi là đầu tiên ở Việt Nam”. Một số người bạn của Hiệp ở TPHCM và Đà Nẵng cũng muốn có một không gian sách như thế và nhờ anh hỗ trợ. Hiệp đang nghiên cứu để có thể mở thêm nhiều chi nhánh. Bởi lẽ, mục tiêu lâu dài của Hiệp là có thể kết nối các thư viện với nhau, không còn là thư viện cá nhân nữa. Sách có thể luân chuyển từ nơi này đến nơi khác theo nhu cầu của người mượn. Như ở nước ngoài, thư viện các trường đại học trong nước có thể kết nối với nhau. Sinh viên trường này nếu không tìm được sách ở thư viện của trường mình, có thể tìm kiếm ở trường khác, hoàn toàn miễn phí.
Trước mắt, qua thời gian cho mượn thử nghiệm ở 303 Library, sinh viên được mượn tối đa 3 cuốn, 1 văn phòng kiến trúc được mượn tối đa 10 cuốn. Trả lại sách mới được mượn tiếp theo. Tất nhiên, ở đây có những cuốn đặc biệt quý, có những cuốn to nặng… chỉ được đọc tại chỗ.
Ngoài ra, để các bạn sinh viên có cơ hội được tiếp cận các cuốn sách hữu ích, Hiệp cũng gửi một số sách tại văn phòng trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Kiến trúc và do chính các bạn sinh viên hoặc hội sinh viên của trường đó tự quản. Không chỉ là nơi đọc và mượn sách, 303 Library đang trở thành một địa chỉ thân thiện với các bạn sinh viên, nơi họ còn được chia sẻ các kinh nghiệm học tập, trong đó có kinh nghiệm du học qua các cuộc hội thảo, được tham dự các buổi chiếu phim tại đây.
Vừa làm việc tại một văn phòng kiến trúc, vừa tất bật với thư viện mini, nhưng Hiệp vui: “Tôi không thấy có gì phiền phức. Được tiếp xúc với các bạn sinh viên nhiều hơn, tôi thấy mình luôn được truyền sức trẻ, mà điều này rất cần thiết cho công việc thiết kế. Tôi hy vọng mô hình này được mở rộng và tạo được nhiều liên kết”.
Thi để được thưởng sách
Tôi gặp Hiệp vào lúc tối muộn, khi cậu vừa kết thúc công việc ở văn phòng kiến trúc bên ngoài và tạt về 303 Library theo lời hẹn với tôi. Sách thì nhiều, nhưng chủ nhân của nó khá kiệm lời. Hiệp không nói nhiều về sách cũng như công việc kiến trúc hiện tại. Hỏi về công việc kiến trúc, Hiệp có khoe, cũng có một lần, công trình do Hiệp thiết kế được giới thiệu trong chương trình Không gian xanh phát trên VTV3.Hôm đó, Hiệp cũng khá vui vì vừa nhận được cuốn sách Fashion Designers rất to và nặng do Nhà Xuất bản Tashchen, Đức gửi về. Cuốn sách được bọc bằng hộp mica trắng trong suốt, chữ nhũ bạc, trông rất sang trọng. Hiệp khoe, đây là giải thưởng mà cậu nhận được trong cuộc thi của Nhà Xuất bản Tashchen. Giải thưởng là 5.000 USD và chỉ được quy ra sách. Hiệp được quyền chọn mua các cuốn sách mà cậu thích trong phạm vi 5.000 USD. Và cuộc thi cũng không có gì phức tạp, chỉ là gửi đến trang web của nhà xuất bản một bức ảnh và bức ảnh nào nhiều like nhất sẽ đoạt giải. Bức ảnh Hiệp gửi được nhiều like nhất nhờ sự ủng hộ của bạn bè từ Thư viện 303. Hiệp vui lắm và bảo: “Giải thưởng nhỏ thôi, nhưng đó chính là phần thưởng lớn mà độc giả 303 Library dành cho em, bõ công những ngày mình vất vả vì nó”.