Người Huế không phải ai cũng… ở Huế!
Tôi gặp Trần Đức Anh Sơn những năm đầu thập kỷ 1990 trong một chuyến đi du lịch của cơ quan báo tôi vào Huế. Khi đó chúng tôi còn rất trẻ và đều mới bước vào công việc của mình. Đoàn nhà báo chúng tôi vào thăm Huế và được trung tâm di tích cử một hướng dẫn viên loại tốt đưa đi giới thiệu và người đó gầy mảnh, cao, nom nhiều nghị lực, nhưng khá e dè.
Tôi vẫn nhớ lời hướng dẫn của Trần Đức Anh Sơn giọng vang, khá đều, tuy nhiên vài chỗ cũng bị ngắt quãng nửa chừng như thể muốn nói rồi lại thôi. Chuyến về Huế ấy với tôi thật nhiều kỷ niệm, vì tôi gốc Huế mà không sinh ra ở Huế. Biết tôi đi tham quan, bác tôi là nghệ sĩ ưu tú Mộng Điệp tìm tới đi cùng với tôi, lên lăng Khải Định, bước qua bao nhiêu bậc đá. Tôi với Sơn chụp chung một kiểu ảnh trước khi chia tay ở chùa Bảo Quốc.
Kể lại câu chuyện ấy là để nhớ lại xuất thân của Trần Đức Anh Sơn ở vị trí có thể nói là khá nhọc nhằn là làm hướng dẫn viên du lịch, một công việc thường dành cho sinh viên giỏi ngoại ngữ mới ra trường. Khi tôi trở lại Huế những năm sau đó, thật ngạc nhiên, Trần Đức Anh Sơn đã là giám đốc một bảo tàng mỹ thuật cung đình của Huế, nơi lưu giữ những bảo vật quý của Huế.
Những người bạn khác của tôi ở cố đô, như nhà báo Minh Tự, đánh giá Sơn rất cao và thường nói đùa “Trần Đức Anh Sơn là một phần của Huế”. Nói vậy bởi bảo tàng thu hút khách rất đông, anh em báo chí văn nghệ về xứ thần kinh, muốn tìm hiểu điều gì nét xưa nay, thường tìm tới nhà nghiên cứu trẻ dễ gần.
Thật bất ngờ, như sét đánh ngang tai, một hôm tôi được mọi người báo: “Sơn bỏ Huế mà đi rồi!”. Nguyên nhân hư thực ra sao chỉ Sơn mới biết. Những cuộc trò chuyện trước đó, Trần Đức Anh Sơn tỏ ra rất bức xúc. Một vài dự án bảo tồn mà tỉnh đang mong đợi, số vốn rất lớn vào lúc ấy, chỉ riêng một mình ông giám đốc bảo tàng đưa ra ý kiến phản biện.
Cái “máu phản biện” có tự nhiên trong Sơn, bởi Sơn cộng tác với các báo, viết những bài nói về bất cập trong việc bảo tồn bảo tàng. Cuộc sống ở Huế vẫn còn nặng về tôn ti, trên dưới. Một chàng trai trẻ luôn ôm tư tưởng phản pháo lại những cái sai của lãnh đạo và các bậc trưởng lão quả là chuyện hiếm.
Học trò chân truyền của giáo sư Trần Quốc Vượng
Tôi và nhà báo Xuân Bình được Sơn mời đến dự buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ sử học tại Hà Nội. Một buổi lễ thấm đượm tình bằng hữu bạn bè, vì nghe tin Sơn ra Hà Nội thì anh em rất vui, quây quần với nhau. Trưa hôm đó đi ăn cơm, tôi nghe giáo sư Trần Quốc Vượng là thầy của Sơn nói rằng: “Trần Đức Anh Sơn là học trò chân truyền của tôi, các anh nhớ lấy như thế”. Điều ấy chứng tỏ giáo sư rất hài lòng về người học trò cưng của mình.
Luận án của Trần Đức Anh Sơn nghiên cứu về đồ sứ ký kiểu của Huế. Đồ sứ này được triều đình đặt làm ở các nơi, tuy mặt vật chất thì nó được làm ở Trung Hoa, nhưng nội dung như hình ảnh thơ văn kiểu dáng đề tài đều từ ý tưởng và những nguyên tắc của văn hóa Việt Nam. Đấy cũng là một hình thức giao thoa, giao lưu văn hóa rất độc đáo có từ mấy trăm năm trước. Nó cũng cho thấy một sự cởi mở trong quan niệm, cách nhìn của triều đình Huế lúc đó với nước ngoài, chứ không hẳn chỉ bài ngoại.
Thật đáng nhớ khi luận án tiến sĩ ấy đã được trao giải thưởng sử học Phạm Nhật Duật tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 2003 (giải nhì, không có giải nhất) dành cho các luận án xuất sắc nhất trong cả nước. Trong bữa cơm vui vẻ của buổi bảo vệ luận án, chúng tôi không biết một tai họa đang chờ Sơn ở Huế từ cái luận án đang cầm trong tay.
Nỗi đau với người ham mê nghiên cứu và giàu tự trọng như Trần Đức Anh Sơn phải nói là khó tả, nó cũng làm cho giáo sư Trần Quốc Vượng - một người rất cẩn trọng trong nghề buồn lòng về đời sống học thuật. Để nói về sự say sưa với chữ nghĩa của Sơn, tôi kể lại câu chuyện liên quan đến chính tôi.
Khi tôi lập gia đình ở Huế, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn là người cầm lọng. Quà cưới của Sơn tặng tôi chính là hai cuốn sách mới ra lò của tác giả. Sơn bảo: “Tôi muốn tặng ông tiền, nhưng món quà này vừa là tiền, vì giá rất đắt, vừa quý hơn cả tiền”. Vì thế, sau hôn lễ người ta thấy chú rể ôm kè kè hai cuốn sách màu xanh lá cây đi về.
Người Hoàng Sa, Trường Sa
Không ai ngờ một nhà Huế học trẻ như Trần Đức Anh Sơn lại bỏ quê sang đầu quân cho Đà Nẵng. Xứ Đà Nẵng có tiếng chi tiêu chặt chẽ, những người Huế được mời sang lúc ấy có cầu thủ Lê Huỳnh Đức, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn… Nghe nói Trần Đức Anh Sơn được đối xử theo chương trình thu hút nhân tài.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn thuyết trình về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: T.L
Từ khi chuyển sang làm việc tại thành phố bên bờ sông Hàn, tiến sĩ Sơn dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu, chủ biên, viết, trao đổi, hội thảo về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Từ năm 2013 đến nay, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đã tham gia hơn 20 triển lãm lớn của nhà nước về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa được tổ chức trên toàn quốc. Anh trở thành một nhân vật được các bạn trẻ ngưỡng mộ, khâm phục, là tấm gương nghiên cứu trẻ dấn thân vào lĩnh vực chủ quyền của đất nước.
Chỉ riêng trong năm 2014, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đã đi dự hai hội thảo quốc tế và đi nói chuyện về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại 8 trường đại học ở Mỹ. Có những chuyến Trần Đức Anh Sơn “bảy tháng “lang thang” qua chín quốc gia, tiếp cận và sao chụp khoảng 30 tư liệu thành văn và hơn 50 bản đồ các loại. Tất cả đều là những bằng chứng xác thực, góp phần chứng minh Việt Nam đã có quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hơn 400 năm qua”.
Những chuyến đi nhiều cảm xúc. Chẳng hạn khi tìm thấy cuốn Compendio di Geografia (Địa lý thế giới) của nhà địa lý học nổi tiếng người Ý Adriano Balbi, xuất bản lần đầu ở Livorno năm 1824, tái bản ở Paris năm 1838 (tiếng Pháp), ở Persth năm 1842 (tiếng Đức), London năm 1845 (tiếng Anh); tái bản có bổ sung ở Livorno năm 1850 (tiếng Ý) và Milano năm 1865 (tiếng Ý). Cuốn sách lưu trữ là bản in năm 1850 ở Livorno. Anh kể lại trong một bài viết của mình: “Tôi nhanh chóng lật đến các trang 437-438, nơi Adriano Balbi đã dành một trang rưỡi để viết về vị trí địa lý, địa dư, diện tích và dân số Việt Nam vào thế kỷ XVIII, mà Balbi gọi là “l’impero di An-nam” (đế chế An Nam). Sau khi cung cấp các thông tin tổng quát về Việt Nam, Balbi viết: “Appartengono pure a quest impero l’ Arcipenlago di Paracels, il gruppo dei Pirati, ed il gruppo di Pulo Condor” (Thuộc về đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Hải Tặc và quần đảo Côn Sơn).
Cách đây vài hôm, Trần Đức Anh Sơn thuyết trình về chủ quyền biển đảo tại Long An và TPHCM, tôi muốn gặp lại người bạn cũ của mình mà không gặp được. Một bạn trẻ đến dự cuộc thuyết trình cũng viết trên trang cá nhân rằng: “Tiến sĩ đã đi từ tỉnh thành này đến tỉnh thành khác trong nước kể cả nước ngoài để tìm tòi, chia sẻ và góp thêm những sự thật lịch sử về chủ quyền của quốc gia. Hôm nay cũng thế, thầy vừa xong vai trò của diễn giả là vội ra sân bay để về ngay mà không kịp để chúng tôi mời một bữa trưa. Luôn chúc thầy khỏe, thầy nhé!”.
8/2015
Có những chuyến Trần Đức Anh Sơn bảy tháng “lang thang” qua chín quốc gia, tiếp cận và sao chụp khoảng 30 tư liệu thành văn và hơn 50 bản đồ các loại.
Trần Đức Anh Sơn là người tỉnh nào?
Gần đây, nhiều bạn trên mạng internet đã trao đổi với nhau rằng giờ đây Trần Đức Anh Sơn là người Đà Nẵng hay người Huế? Nói vậy, bởi khi Sơn đi giới thiệu về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thì cả những người Huế và người Đà Nẵng đều tìm đến gặp và nhận là đồng hương! Gốc Huế, nhưng tỏa sáng với đề tài Hoàng Sa Trường Sa, nhiều người nghĩ Trần Đức Anh Sơn là người Đà Nẵng và có quê quán ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Để giải quyết những băn khoăn của mọi người, Trần Đức Anh Sơn đã phải lên báo để thanh minh rằng: “Nếu ví địa phương là một đội bóng thì tôi như cầu thủ chuyên nghiệp, đá cho đội nào thì toàn tâm, toàn ý với đội đó, nhưng không vì vậy mà quay lưng lại với đội bóng cũ”. Anh cũng tiết lộ: “Cho đến bây giờ gia đình tôi vẫn chưa cắt hộ khẩu ở Huế để nhập vào Đà Nẵng”.