Kiện toàn sớm để người mới bắt nhập công việc

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: Như Ý
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: Như Ý
TP - “Bản thân các đồng chí lãnh đạo cao cấp không làm nữa cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong cả nhiệm kỳ qua. Việc xin thôi sớm trước khi kết thúc nhiệm kỳ, tạo điều kiện cho các đồng chí khác trẻ hơn đảm đương là nghĩa cử rất cao đẹp của các đồng chí đó”, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 cũng đã thống nhất thông qua việc giới thiệu nhân sự cấp cao, đồng thời sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo tại kỳ họp Quốc hội thứ 11. Ông thấy sao về phương án này?

Sau Đại hội Đảng toàn quốc, việc kiện toàn nhân sự ngay tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII là chủ trương của Đảng để công tác nhân sự được ổn định sớm. Điều này cũng đúng với nguyện vọng của một số đồng chí cán bộ cao cấp, cũng muốn xin rút để cho những người trẻ hơn có thể sớm bắt nhập công việc mới, kế tục sự nghiệp của mình. Điều này vừa thể hiện chủ trương của Đảng ta, phù hợp nguyện vọng cá nhân một số cán bộ cao cấp.

Khi đi tiếp xúc cử tri, một số cử tri cũng hỏi về điều này. Tôi cũng trả lời rằng, điều đó cũng xuất phát từ nguyện vọng được nghỉ sớm hơn của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Vả lại trong thời gian qua, có một số chức danh của Nhà nước sau Đại hội Đảng được điều động và đã nhận nhiệm vụ mới, như phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TPHCM.

Cùng một lúc không thể đảm đương hai nhiệm vụ được. Cho nên Quốc hội cũng phải sớm miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng và bộ trưởng để các đồng chí đi nhận công tác mới mà Đảng giao, trên cơ sở đó cũng bầu các chức danh mới.

Ông đánh giá thế nào về nguyện vọng muốn được nghỉ sớm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ?

Kiện toàn sớm để người mới bắt nhập công việc ảnh 1

Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Bản thân các đồng chí lãnh đạo cao cấp không làm nữa cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong cả nhiệm kỳ qua. Động tác xin thôi sớm trước khi kết thúc nhiệm kỳ, tạo điều kiện cho các đồng chí khác trẻ hơn đảm đương cũng là nghĩa cử rất cao đẹp của các đồng chí đó. Ý Đảng và nguyện vọng của các đồng chí cũng trùng khớp với nhau.

Kỳ họp thứ 11 vẫn thuộc nhiệm kỳ cũ, nếu kiện toàn các chức danh thì đến tháng 7, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV vẫn phải tiến hành bầu lại. Ông có băn khoăn gì về
điều này?

Kỳ họp 11 này vẫn thuộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trong khi đó luật lại quy định nhiệm kỳ của Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước cùng với nhiệm kỳ của Quốc hội. Như thế, nếu kiện toàn các chức danh ngay tại kỳ họp 11 này thì khi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV (dự kiến họp vào tháng 7) chúng ta vẫn phải bầu tiếp bộ máy Nhà nước cho nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, điều này cũng từng có tiền lệ. Trước đây, cũng có một số đồng chí trong bộ máy Nhà nước đã chủ động bàn giao sớm để nhận công tác khác, hoặc nghỉ sớm so với nhiệm kỳ. Gần đây nhất, đồng chí Nguyễn Thế Thảo đã chủ động xin nghỉ sớm để bàn giao công việc cho đồng chí Nguyễn Đức Chung nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Nếu nói là đến hết nhiệm kỳ thì phải đợi đến khi Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ sau, diễn ra vào tháng 7 tới mới có thể kiện toàn. Tuy nhiên, do cuộc sống đòi hỏi liên tục như dòng chảy, nếu có điều kiện bàn giao sớm cũng là phương án tốt. Bởi bàn giao sớm cũng là một bước chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới.

Vậy còn về quy trình tới đây sẽ được tiến hành thế nào, thưa ông?

Khi ra Quốc hội, trước tiên người xin nghỉ sớm trước nhiệm kỳ phải có đơn thể hiện nguyện vọng cá nhân. Trên cơ sở đó Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến. Quy trình làm nhân sự rất kỹ, cần có nhiều thời gian, mỗi chức danh cần bỏ phiếu kín theo quy định của pháp luật chứ không bấm nút điện tử được.

Các quy trình được tiến hành như làm nhân sự các chức danh cao cấp của Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội giới thiệu Chủ tịch nước, bầu Chủ tịch nước xong thì Chủ tịch nước sẽ giới thiệu Thủ tướng Chính phủ, rồi Thủ tướng sẽ giới thiệu các thành viên Chính phủ.

Nhân đề cập các thành viên Chính phủ, có nhiều ý kiến cho rằng, bộ trưởng cũng không nhất thiết phải là ủy viên Trung ương. Ông thấy sao về điều này?

Nếu bộ trưởng là ủy viên Trung ương là tốt nhất, có sự tương thích giữa cơ quan lãnh đạo và cơ quan quản lý thì rất tốt. Nhưng trong lịch sử cũng có những bộ trưởng, trưởng ngành không phải là  ủy viên Trung ương. Nhiệm kỳ vừa qua cũng có một số  ủy viên Ủy ban Thường vụ và một số chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội cũng không phải  ủy  viên Trung ương, nhưng người ta vẫn làm tốt công việc. Các đồng chí ấy có đức, có tài, chưa đủ các điều kiện để tham gia Trung ương, nhưng nếu vẫn có tâm, có tầm, có tài, có trí tuệ mà Trung ương, Quốc hội thấy có thể đảm nhiệm các chức danh đó thì vẫn tín nhiệm bầu hoặc phê chuẩn.

Cảm ơn ông.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Bầu luôn người thay  thế, bộ máy sẽ được khởi động

Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Các đồng chí lãnh đạo các cơ quan phải do Trung ương giới thiệu. Nhiều đồng chí không còn là  ủy  viên Trung ương, một số cương vị lúc đó sẽ khó làm việc. Sau Đại hội Đảng bao giờ cũng xem xét bầu lại các chức danh đó. Như Quốc hội khóa XI đã bầu Chủ tịch Quốc hội vì ông Nông Đức Mạnh lúc đó được bầu làm Tổng Bí thư. Hay vào năm 2006, ông Phan Văn Khải cũng nghỉ và đã bầu ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, đồng thời cũng bầu luôn nội các Chính phủ.

Còn ở địa phương như ở Hà Nội, sau Đại hội, ông Nguyễn Thế Thảo không làm Phó Bí thư thì chính ông Thảo cũng xin nghỉ và Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã bầu người khác thay thế. Điều này hết sức bình thường và cũng tốt thôi,  vì như thế bộ máy sẽ được khởi động luôn.               

Thành Nam (ghi)

MỚI - NÓNG