Một số vụ việc khiếu kiện đông người
Sáng 15/2, tại phiên họp thứ 8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội.
Báo cáo dẫn thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết, trong tháng 1/2022, tình trạng công dân tập trung đông người, mang theo băng rôn, khẩu hiệu, có biểu hiện kích động, vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh trật tự vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; một số cá nhân, đoàn đông người kéo về Trung ương khiếu nại, tố cáo.
Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.
Cụ thể, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cưỡng chế thu hồi đất xảy ra và tập trung chủ yếu tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao. Nội dung chủ yếu là tố cáo liên quan đến việc triển khai, thực hiện dự án, một số đối tượng tự ý chuyển đổi, lập dự án bất động sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp để ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng, gây bức xúc cho người dân. Một số vụ việc công dân không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ đã có những hành vi chống đối lực lượng cưỡng chế, giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, các khiếu kiện liên quan đến ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, có nơi tạo thành điểm nóng về khiếu kiện. Nội dung chủ yếu liên quan đến hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp xả chất khí thải, gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, theo báo cáo, công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn, do nhiều Cty chậm chi trả tiền lương, giảm thưởng Tết cho người lao động, dẫn đến công nhân tổ chức đình công, nghỉ việc phản đối, đòi quyền lợi.
Xử nghiêm vụ việc ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Báo cáo của Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư và chính quyền địa phương chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo nhất là đối với các vụ việc đông người, phức tạp để kịp thời giải quyết dứt điểm không để phát sinh điểm nóng; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, nghiên cứu, xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến trong tình hình dịch bệnh COVID–19 vẫn đang diễn ra phức tạp.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm đối với số đơn thư do các cơ quan của Quốc hội chuyển đến hoặc đã có kiến nghị giám sát và báo cáo kết quả giải quyết theo quy định.
Ban Dân nguyện cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ ngành hữu quan khẩn trương, quyết liệt trong việc điều tra, truy tố, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với loại hình tội phạm sử dụng mạng xã hội để rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả.
Theo kiến nghị, Chính phủ cũng cần chỉ đạo Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan kịp thời có những giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu, bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp căn cơ, hiệu quả, chủ động và linh hoạt hơn để tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát trở lại; nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện trước khi triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.
Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm y tế theo Nghị quyết số 79/NĐ-CP và Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ để đảm bảo chủ động “04 tại chỗ” cho y tế ở tuyến cơ sở trong trường hợp dịch bệnh bùng phát do nhiều mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu.