Kiến nghị tháo gỡ cơ chế cho điện mặt trời

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Việc thiếu chính sách về giá điện cho năng lượng tái tạo và điện mặt trời, cùng nhiều quy định khác về hỗ trợ phát triển năng lượng sạch là nguyên nhân chính khiến cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trở nên kém hấp dẫn.

Đây là thông tin được ông Đặng Đình Thống, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam và nhiều doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, ngày 21/9.

Theo thống kê của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước mới bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương. 

Đáng chú ý có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ… đã đăng ký đầu tư vào một số tỉnh miền Trung. Ở trong nước, Tổng công ty điện lực Miền Trung có dự án nhà máy điện mặt trời với công suất 150 MW tại Khánh Hoà; Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự định nghiên cứu triển khai dự án tại Đồng Nai và Bình Thuận, Ninh Thuận.

Mặc dù đây là lĩnh vực khá hấp dẫn và đang thu hút các nhà đầu tư, song hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng chính sách giá vẫn đang  rào cản. 

“Các chính sách về năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời chưa chưa đầy đủ, chưa hình thành, thiếu sự đồng bộ và chưa gắn kết. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực này cần nhiều vốn nhưng chi phí đầu ra chưa rõ ràng, nên làm cản trở đầu tư” – ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch nhóm công tác năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam cho biết.

Theo ông Đặng Đình Thống, nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ hiện nay là cơ chế giá điện. Được biết, hiện các nhà đầu tư đã rất sẵn sàng rót vốn vào lĩnh vực này và có những chuẩn bị cần thiết, nhưng nút thắt là giá điện cần được tháo gỡ, trên cơ sở giá bán điện mặt trời được xác định các chi phí, đảm bảo nhà đầu tư thu hồi được chi phí và có lợi nhuận hợp lý.

MỚI - NÓNG