Kiến nghị sớm có cơ chế khuyến khích phát triển cho dệt may

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vừa có kiến nghị gửi Chính phủ đề xuất sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp có kim ngạch xấp xỉ 40 tỷ USD mỗi năm này.

Trong kiến nghị gửi Chính phủ, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc có chiến lược phát triển hai ngành hàng xuất khẩu quan trọng này, với tầm nhìn đến 2035, sẽ giúp hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến để thu hút đầu tư khâu dệt, nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may để đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Việc có các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may sẽ giúp các doanh nghiệp tạo liên kết chuỗi trong dệt, nhuộm gắn với các nhà máy may trong khu vực. Cùng với đó, các chính sách về tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải, các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may sẽ giúp các doanh nghiệp từng bước chủ động nguồn cung.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, từ trước đến nay, dệt may trong nước chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50%. Tuy nhiên, sau 8 tháng của năm 2022, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may Việt Nam đã lên tới 57%, đạt gần mục tiêu đề ra 60% của năm 2025.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 8 tháng qua, tổng nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu cho ngành dệt may vào khoảng 13 tỷ USD (không tính 1,5 tỷ USD phụ liệu cho ngành giày da).

MỚI - NÓNG