Ngày 5/7, Hiệp Hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi Bộ xây dựng góp ý tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ vào “Dự thảo TCVN Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế”.
Theo đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét cho phép doanh nghiệp được thực hiện dự án đầu tư xây dựng phòng trọ, nhà trọ để cung cấp chỗ ở chất lượng tốt hơn cho công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư. Đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để các hộ gia đình, cá nhân cũng phải nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, an toàn, an ninh cho nhà trọ, phòng trọ của mình.
Tại TPHCM, chỉ có khoảng 15% công nhân lao động các khu công nghiệp được thuê chỗ ở trong các khu nhà lưu trú công nhân, còn lại phần lớn đang thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình. Trong khi đó, TPHCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.062 doanh nghiệp và tổng số lao động là 285.000 người, trong đó lao động ngoại tỉnh (nhập cư) là 185.250 người (tỷ lệ 65%).
Một khu nhà lưu trú cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM. |
Nếu tính cả các cụm công nghiệp thì còn có thêm 538 doanh nghiệp và khoảng 95.000 công nhân lao động. Như vậy, các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có tổng số khoảng 1.600 doanh nghiệp với tổng số công nhân lao động lên đến khoảng 380.000 người.
Đến nay, TPHCM đã có 6 khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng hoàn thành khu lưu trú công nhân, gồm Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1, Tân Bình, Tân Tạo, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc.
Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã xây dựng nhà lưu trú công nhân như Công ty Nissei Electric (2 khối nhà 5 tầng 1.520 chỗ), Công ty Palace (2 khối nhà 6 tầng 1.012 chỗ), Công ty Đức Bổn (1 khối nhà 6 tầng 416 chỗ)… Các nhà lưu trú công nhân có phòng ở tập thể 4-6-8 người thuê, hoặc cho hộ gia đình thuê đều được cấp phép xây dựng, đảm bảo chất lượng và tiện ích tương tự khu nhà chung cư.
Tuy nhiên, các khu nhà lưu trú mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% công nhân lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp và đa số công nhân lao động nhập cư thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình. Riêng Công ty Giày Pou Yen có diện tích khoảng 100 ha tại quận Bình Tân với hơn 80.000 công nhân, không có nhà lưu trú công nhân.
Trong đó, có khoảng 16.000 người thuê phòng trọ tại các tỉnh lân cận được bố trí xe đưa đón hàng ngày. TPHCM có khoảng 60.470 công trình nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở có thể đáp ứng chỗ ở cho 1.430.067 người.
47 dự án nhà ở xã hội
Sau 15 năm thưc hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội, đến nay TPHCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, đã có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,19 triệu m2 sàn, tương ứng 14.900 căn hộ.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM phê duyệt kế hoạch nhà ở giai đoạn này, trong đó xác định rõ các chỉ tiêu phát triển nhà ở, với 47 dự án (có 10 dự án bắt buộc chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội), tập trung chủ yếu ở các Quận 7, Bình Tân và TP.Thủ Đức. Riêng các quận trong nội thành chỉ có 2 dự án. Ngoài ra, TPHCM khuyến khích các quận, huyện ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, cụ thể có 8 dự án. Tổng cộng các dự án này đáp ứng trên 35.000 căn hộ…
“Hiện nay về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lý là nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại. Do đó, các dự án này kéo dài và có thủ tục pháp lý phức tạp hơn… dẫn đến không thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được”, ông Huỳnh Thanh Khiết nói.
TPHCM cũng đang đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội. |
Do đó, Sở Xây dựng đang trình UBND TPHCM các quy trình rút gọn để đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội này xuống dưới 6 tháng để các chủ đầu tư triển khai thực hiện.
Để người lao động tiếp cận được các thông tin về nhà ở xã hội hiện nay, trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng có đầy đủ thông tin đối với các dự án, người lao động có thể truy cập để nắm thông tin tìm hiểu cũng như liên hệ thêm với các chủ đầu tư dự án để đăng ký. Khi chủ đầu tư gửi danh sách đăng ký mua nhà ở xã hội về Sở Xây dựng, đơn vị sẽ xem xét đủ điều kiện để mua hay không. Hiện nay, có trên 40 dự án đã và đang triển khai, người dân có thể tìm hiểu các dự án này để đăng ký mua.
Đối với các nguồn vốn vay, ông Huỳnh Thanh Khiết cũng cho biết, hiện nay người dân chỉ được vay tối đa 900 triệu và không quá 70% giá trị căn hộ. Quá trình xét duyệt vay mua nhà ở cũng khá chặt chẽ. Nếu nhà ở xã hội miễn tiền sử dụng đất, nhà nước sẽ kiểm tra chặt chẽ giá trị căn hộ bán ra. Chủ đầu tư hoàn thành dự án và được nghiệm thu sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng kiểm toán, thẩm định giá bán.