Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ
Sáng 11/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Mục tiêu được Nghị quyết quy định, là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%...
Giải pháp được đưa ra là tập trung tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế. Tiếp tục khơi thông và tạo ra những động lực tăng trưởng mới; tập trung giải pháp thu hút mạnh mẽ nguồn lực trong nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó là cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tối đa hóa lợi ích nhà nước; xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.
Quốc hội cũng yêu cầu thực hiện các giải pháp nhanh chóng gỡ được thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản; làm rõ trách nhiệm của các cấp trong kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giải phóng mặt bằng cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án giao thông quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.
Xử lý ô nhiễm ở Hà Nội và các thành phố lớn
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc tháo gỡ những điểm nghẽn, thu hút các nguồn lực phát triển đô thị thông minh, hiện đại. Giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông và ngập úng tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác; kết hợp công tác bảo vệ môi trường hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải; giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, tái chế chất thải rắn; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn; bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh giải pháp kiên trì, kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, đối tác. Chủ động theo dõi sát tình hình thế giới và khu vực để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh, nhất là trên Biển Đông; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân trên biển.
Trước khi Nghị quyết được thông qua, báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc bổ sung nội dung tiếp tục thực hiện kiểm kê việc quản lý, sử dụng quỹ đất đai toàn quốc; rà soát thực trạng, xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; đồng thời bổ sung nội dung về nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức; xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức; bảo vệ biên giới, giải quyết khiếu kiện hành chính...