Thời gian qua, báo Tiền Phong nhận được phản ánh của người dân về những bất cập trong hoạt động bến thủy nội địa ven sông Sài Gòn ở tỉnh Bình Dương.
Tại khu vực sông Sài Gòn đoạn thuộc phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một có bến thủy nội địa được cấp cho Công ty Biconsi nhằm tạo thuận lợi cho các phương tiện cập bến nhà hàng Tiamo.
Theo phản ánh của người dân, từ năm 2021, sau khi được cấp phép bến thủy, doanh nghiệp tự ý đóng thêm 12 cọc dưới sông không phép và tăng thêm 1 phao nổi 12m x 3m (không phép). Ngoài ra, tại bến thủy này có nhà hàng nổi bị cấm hoạt động 3 năm nhưng vẫn neo đậu, nguy cơ chìm bất cứ lúc nào.
Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương trả lời báo Tiền Phong tại họp báo |
Tại khu vực ven sông Sài Gòn đoạn thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, một bến thủy khác được ngành chức năng cấp phép cho Công ty Sông Thủ hoạt động bến du thuyền Bình Dương. Tuy nhiên, hai năm qua, doanh nghiệp không hoạt động, dùng bến làm chỗ neo đậu các du thuyền.
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Bình Dương than thở rằng, với mục đích nhằm phát triển du lịch đường sông theo chủ trương của địa phương nên đã xin cấp một bến thủy nội địa ở vị trí ven sông thuộc địa bàn thị xã Bến Cát. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp chỉ nhận được câu trả lời “đang xem xét”.
Bến thủy nội địa tại nhà hàng Tiamo |
Liên quan đến những phản ánh trên của phóng viên Tiền Phong, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương - ông Nguyễn Thanh Thuận cho biết, thời gian qua, ngành chức năng đã lập đoàn kiểm tra về hoạt động của các bến thủy nội địa trên địa bàn.
Theo ông Thuận, đối với bến thủy khu vực nhà hàng Tiamo ven sông Sài Gòn, ngành chức năng đã cấp phép mới với hạng mục khác như phản ánh của người dân. “Lực lượng chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý”, ông Thuận nói.
Người dân phản ánh bến thủy tại nhà hàng Tiamo tự ý đóng thêm cọc, tuy nhiên ngành chức năng cho biết đã cấp phép mới cho doanh nghiệp và sẽ hậu kiểm |
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, địa phương luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp để phát triển ngành du lịch đường sông. Việc cấp phép bến thủy phải trải qua nhiều khâu, nhưng không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoạt động bến thủy, doanh nghiệp phải được cấp phép, tránh tình trạng hoạt động trước xin phép sau.