Kiểm tra việc bổ nhiệm người thân, cán bộ gây thua lỗ

Nhà máy bia Sài Gòn (Sabeco) cũng phải hứng chịu lùm xùm “con ông cháu cha”.
Nhà máy bia Sài Gòn (Sabeco) cũng phải hứng chịu lùm xùm “con ông cháu cha”.
TP - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, để xây dựng một chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội, trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể. Phải giải trình, kiểm tra, làm rõ việc bổ nhiệm người thân...

Ngày 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của tòa án, viện kiểm sát, các báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). 

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm. 

Phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, qua phản ánh của dư luận và báo chí, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực. Bên cạnh đó còn có việc lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực.

“Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước. Thủ tướng từng nói chúng ta tuyển người tài chứ không tuyển người nhà. Do đó những phản ánh về việc bổ nhiệm người thân dù đúng hay sai cũng phải có giải trình, kiểm tra, làm rõ”, bà Nga nêu.

Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng (giảm 155,5% so với năm 2015). Điển hình, vụ việc ở Tổng cục Thủy sản làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản và xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, mặc dù các cá nhân vi phạm đã bị xử lý nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước không được xem xét đầy đủ.

Theo Ủy ban Tư pháp, mặc dù báo cáo của Chính phủ đã nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong PCTN nhưng lại chưa chỉ rõ địa chỉ cụ thể và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Ủy ban Tư pháp cho rằng để xây dựng một chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội, trước hết phải có thay đổi đột phá trong việc đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể.

“Công tác tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN còn hạn chế; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực bị buông lỏng, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm; một số nơi chưa thực hiện đúng chủ trương của Đảng về chống tham nhũng, nói không đi đôi với làm, quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng; có một số cán bộ còn bao che, “bảo kê” cho vi phạm”, bà Nga chỉ rõ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Mai Bộ đề nghị ngay sau khi khởi tố bị can phải áp dụng điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự để kê biên tài sản đối với đối tượng tham nhũng. Theo ông Bộ, trong đấu tranh PCTN có tình trạng tham nhũng đã diễn ra vài ba năm mới khởi tố, rồi lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ là bị cáo có nhân thân tốt.

“Việc áp dụng tình tiết đó không đúng, vì anh có nhân thân tốt thì không tham nhũng. Thứ hai là cho bị cáo tham nhũng hưởng tình tiết là được khen thưởng, mà khen thưởng lại ở thời kỳ anh đã và đang tham nhũng nhưng chưa bị phát hiện. Tôi cho rằng đó là khen thưởng nhầm”, ông Bộ nói và đề nghị ngành tòa án không cho áp dụng các tình tiết đó khi xử án tham nhũng thì mới chống được tham nhũng. 

Lập doanh nghiệp đi đe dọa, giành giật thị trường

Trước băn khoăn về đánh giá vi phạm pháp luật phổ biến, đa dạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, nhận định như báo cáo là đúng thực tế. 

Bộ trưởng cũng cho rằng, diễn biến tình hình tội phạm còn phức tạp, đáng lưu ý, tội phạm ngày càng trẻ hóa. “Thanh thiếu niên tụ tập thành băng nhóm rất nhanh. Có những vùng thôn quê yên ả vừa qua tội phạm băng nhóm tập trung đến cả trăm người rồi sử dụng hung khí. Nguyên nhân rất nhiều, nhưng phần lớn đối tượng này đều có hoàn cảnh khó khăn”, ông Tô Lâm nói.

Liên quan đến tội phạm doanh nghiệp, Thượng tướng Tô Lâm cho biết có ý kiến nói công an hình sự hóa quan hệ kinh tế, nhưng nhìn lại thực tế cho thấy mức độ đáng báo động của tội phạm kinh tế. “Loại tội phạm hình sự cộm cán, có số có mũ lại nắm điều hành doanh nghiệp trên một số lĩnh vực như khai thác mỏ, san lấp mặt bằng, khai thác vận chuyển cát, đá sỏi... Có doanh nghiệp lập ra nhưng dưới trướng tụ tập đàn em đi đe dọa giành giật thị trường, bắn giết nhau”, ông Tô Lâm nêu.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.