Xác minh việc bổ nhiệm cán bộ làm thất thoát tài sản Nhà nước

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
TPO - Ban thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình những phản ánh về việc bổ nhiệm khi "hoàng hôn nhiệm kỳ", bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước.

Theo báo cáo của Chính phủ năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm.

Đề cập đến các giải pháp ngăn ngừa tham nhũng khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Uỷ ban Tư pháp cho biết: Qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.

Cũng theo ban thẩm tra, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực…

“Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản Nhà nước. Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh. Trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.  

Uỷ ban Tư pháp cũng đánh giá, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Năm 2016 việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Qua giám sát của Uỷ ban Tư pháp thì trong ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng.

Bên cạnh đó vẫn còn một số vụ án tham nhũng xử lý kéo dài, hình phạt trong một số trường hợp có biểu hiệu chưa nghiêm; tỷ lệ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các vụ án tham nhũng tại một số địa phương còn cao.

MỚI - NÓNG