Chất vấn tại Quốc hội

Kiểm tra phân bón bằng miệng, thế thuốc trừ sâu thì sao?

ĐB Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
ĐB Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
TP - Chiều 17/11, trả lời ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đây là vấn đề nhức nhối. Do thiếu thiết bị kiểm định nên khá nhiều nơi cán bộ quản lý thị trường phải kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ bằng miệng.

Thử chất lượng phân bón bằng miệng

Đại biểu Nguyễn Thị Khá truy trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ảnh hưởng sản xuất trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay, các lực lượng chức năng đã nỗ lực nhưng kết quả còn hạn chế.

“Cá nhân tôi đã nhận trách nhiệm về hạn chế này trong bản kiểm điểm trước khi lấy phiếu tín nhiệm. Nguyên nhân do dung lượng thị trường ngày càng phát triển, độ mở nền kinh tế lớn. Giao thương hàng hóa tăng thì một số người lợi dụng kẽ hở để đưa hàng chất lượng kém vào thị trường Việt Nam”, ông Hoàng nói.

Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, phương tiện, công cụ kiểm định hàng hóa hiện vừa yếu, vừa thiếu nên việc đấu tranh với hàng kém chất lượng hiệu quả không cao. “Thiếu trang thiết bị, nên thậm chí khi xác định chất lượng phân bón thì khá nhiều nơi, cán bộ Quản lý thị trường khi kiểm tra phải thử bằng miệng. Tức là dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón. Đây là một hiện tượng có thật”, ông Hoàng nói.

Ngoài ra, không loại trừ trong đội ngũ cán bộ Quản lý thị trường có tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, bao che cho các hành vi sai phạm. Sự phối hợp có chỗ, có nơi chưa đều, chưa nhất quán.

“Bộ trưởng có cam kết năm 2015 giảm được buôn lậu, hàng giả bao nhiêu phần?”, ĐB Khá hỏi tiếp.

Bộ trưởng Hoàng cho biết, sẽ nỗ lực hết sức còn đo lường giảm được bao nhiêu phần trăm là rất khó. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng tin tưởng, với sự ra đời của Ban Chỉ đạo 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sự vào cuộc quyết liệt, chắc chắn công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại từng bước có chuyển biến hơn. “Không có lý do gì không tin rằng công tác này không hiệu quả hơn trong năm 2015”, ông Hoàng nói.

“Thiếu trang thiết bị, nên thậm chí khi xác định chất lượng phân bón thì khá nhiều nơi, cán bộ Quản lý thị trường khi kiểm tra phải thử bằng miệng. Tức là dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón. Đây là một hiện tượng có thật”.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

Chưa hài lòng với câu trả lời này, ĐB Khá bấm nút chất vấn tiếp: “Bộ trưởng trả lời về công tác chống hàng giả tôi thấy buồn, Bộ trưởng nói cán bộ phải kiểm định phân bón bằng miệng, vậy với thuốc trừ sâu thì cán bộ kiểm định bằng gì. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?”. Bộ trưởng Hoàng phân trần: “Tôi nói thế là nói chúng ta thiếu thiết bị kiểm tra, không chỉ với phân bón vô cơ mà cả thực phẩm, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Hiện nay, ngân sách còn khó khăn, việc bổ sung thiết bị cho ngành quản lý thị trường còn phải từng bước”. 

Chưa thỏa mãn ĐB Khá tiếp tục bấm nút chất vấn, tuy nhiên do thời gian, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đại biểu gặp trực tiếp Bộ trưởng để làm rõ những nội dung quan tâm của mình. Trao đổi với báo chí trong giờ giải lao, ĐB Nguyễn Thị Khá bày tỏ, bà chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng bởi cán bộ không thể đi kiểm định chỉ bằng miệng.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhấn mạnh, chúng ta luôn nêu xử lý nghiêm tình trạng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, vậy đã có ai bị cách chức vì buôn lậu chưa, Bộ Công Thương đã xử lý và kiến nghị xử lý trách nhiệm bao nhiêu trường hợp buông lỏng để xảy ra buôn lậu?

Kiểm tra phân bón bằng miệng, thế thuốc trừ sâu thì sao? ảnh 1

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại liên quan đến nhiều bộ, ngành do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban chỉ đạo. Riêng đối với lực lượng quản lý thị trường, trong hai năm 2012, 2013 và 8 tháng đầu năm 2014 đã kỷ luật khiển trách 25 cán bộ sai phạm, cảnh cáo 16 trường hợp, cách chức, buộc thôi việc một số trường hợp. “Chúng tôi hết sức nghiêm túc trong xử lý vi phạm”, ông Hoàng khẳng định.

Không có chuyện thủy điện hoạt động cầm chừng

Trước khi vào nội dung chất vấn, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) bày tỏ, ông sẽ nói chậm để Bộ trưởng nắm bắt được ý hỏi của mình. Đó là ý kiến cử tri về việc các doanh nghiệp điện lớn như Thủy điện Hòa Bình công suất rất lớn nhưng mấy năm gần đây hoạt động cầm chừng, trong khi chúng ta phải mua điện của doanh nghiệp tư nhân, nhập khẩu điện giá cao của Trung Quốc. Xin hỏi Bộ trưởng thông tin này có đúng không? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng khẳng định, ý kiến này không có cơ sở. Những năm qua Nhà nước chắt chiu nguồn lực để xây dựng công trình thủy điện để tận dùng tiềm năng thủy điện.

“Không có lý do gì mà không khai thác triệt để các thủy điện này, hầu như năm nào Thủy điện Hòa Bình cũng phát hết công suất, không có chuyện hoạt động cầm chừng. Thủy điện Sơn La năm nào cũng phát vượt sản lượng thiết kế. Các thủy điện khác cũng vậy luôn khai thác hết công suất”, ông Hoàng khẳng định.

“Bộ trưởng trả lời về công tác chống hàng giả tôi thấy buồn. Bộ trưởng nói cán bộ phải kiểm định phân bón bằng miệng, vậy với thuốc trừ sâu thì cán bộ kiểm định bằng gì. Trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu?”.

ĐB Nguyễn Thị Khá

Trả lời ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận công nghiệp hỗ trợ có khá nhiều vấn đề. Điều này đã được một số đại biểu nêu qua nhiều kỳ họp, đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ đã ban hành một số chính sách liên quan công nghiệp ô tô, dệt may và đã có quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết, cấp độ pháp lý của chính sách còn thấp, chưa có nghị định riêng về công nghiệp hỗ trợ. Ông Hoàng đề nghị cần có luật về công nghiệp hỗ trợ.

Kiểm tra phân bón bằng miệng, thế thuốc trừ sâu thì sao? ảnh 2

ĐB Nguyễn Thị Khá.

Bấm nút chất vấn tiếp, ĐB Đồng Hữu Mạo cho biết, trong phiên lấy phiếu tín nhiệm vừa qua ông chỉ dành cho Bộ trưởng Hoàng mức “tín nhiệm” vì một số việc Bộ Công Thương triển khai chưa ưng ý nên không thể “tín nhiệm cao” được.  

Tổng thầu Trung Quốc, tỷ lệ nội địa hóa 0%

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) dẫn chứng, có tới 23/24 nhà máy xi măng do nước ngoài làm tổng thầu, trong đó tỷ lệ nội địa hóa của nhà máy do Trung Quốc tổng thầu, gần như bằng 0%. 15/20 dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu tỷ lệ nội địa hóa cũng gần như bằng 0%. Trong khi dự án do Việt Nam làm tổng thầu thì tỷ lệ nội địa hóa đạt 20%. “Vậy có phải do Bộ chỉ đạo thiếu quyết liệt, trách nhiệm của bộ đến đâu?”, ông Tuyết hỏi.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong nhiều văn bản Chính phủ đã chỉ đạo các chủ đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu cần tách bạch những gói thầu doanh nghiệp trong nước có thể làm được. “Rất tiếc chủ trương rõ ràng như vậy nhưng trong khá nhiều trường hợp, chủ đầu tư không tách các gói thầu mà vẫn để nằm trong gói tổng thầu của nhà thầu nước ngoài”, ông Hoàng thừa nhận. Bộ Công Thương và Bộ KH&CN đã lập danh mục những thiết bị Việt Nam có khả năng sản xuất, khuyến nghị các chủ đầu tư sử dụng. Tuy nhiên, những giải pháp này hiệu quả chưa cao.

Trả lời ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ tịch Saigon Co.op) về thị trường bán lẻ nguy cơ bị doanh nghiệp ngoại thao túng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, việc mở cửa thị trường phân phối bán lẻ có lộ trình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thương mại trong nước vươn lên cạnh tranh được. Chúng ta cho phép nhà phân phối nước ngoài vào Việt Nam nhưng bắt buộc phải liên doanh. Khống chế những mặt hàng nhạy cảm không cho phép nhà phân phối nước ngoài tham gia bán lẻ như gạo, xăng dầu...

Trong các hiệp định đàm phán tới đây sẽ có biện pháp bảo vệ doanh nghiệp phân phối trong nước. Tỷ trọng của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài hiện chỉ chiếm 3,4%.

“Chúng ta mở cửa có lộ trình, có kiểm soát để doanh nghiệp trong nước vươn lên phát triển. Lo lắng doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam là có nhưng kinh nghiệm cho thấy chúng ta có thể xử lý được”, ông Hoàng trấn an.

Bên lề:

ĐB Đỗ Văn Đương:

Trả lời như thế lại gây bức xúc cho người dân

Các câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn còn chung chung, ví dụ như câu hỏi của tôi có một số ý phản ánh về thủy điện hoạt động cầm chừng, Bộ trưởng trả lời thì tin như vậy nhưng thực tế có hay không phải cho kiểm tra. Không phải ngẫu nhiên mà có dư luận như vậy. Ngoài ra, khi nói đến chống buôn lậu, gian lận thương mại thì hàng giả, hàng kém chất lượng đã tràn ngập thị trường nội địa rồi, nhất là chợ đầu mối. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường rất đông nhưng tại sao vẫn để như thế? Phải chăng trách nhiệm thuộc về Quản lý thị trường là đầu tiên, vì đó là chức năng, nhiệm vụ của họ. Cần phải nói rõ vấn đề trách nhiệm hơn là thiếu phương tiện. Bởi vì gà lậu, tivi, tủ lạnh nhìn thấy ngay việc gì phải ngửi, phải nếm. Nhìn chung những cách trả lời như thế lại gây bức xúc cho người dân. Phải thừa nhận trách nhiệm vì người dân còn biết thì lý gì các cơ quan chuyên môn lại không biết. Tiếp đó là sự khách quan vô tư trong thi hành công vụ, chắc chắn là cũng có sự dung túng, tiếp tay nhất định thì hàng giả, hàng lậu mới trôi nổi trên thị trường được.

ĐB Nguyễn Thị Khá:

Cơ quan nhà nước kiểm định bằng miệng thì không chấp nhận được

Kiểm nghiệm phân bón bằng miệng như Bộ trưởng nói có đúng hay không, hay chỉ là câu nói đùa, thưa bà?

Tôi nghĩ trước hàng triệu cử tri cả nước, không thể nói đùa ở đây được. Bộ trưởng nói thế nào là do Bộ trưởng quyết, chứ nếu là nói đùa tôi không đồng ý. Có thể ở đây Bộ trưởng nói có ý là người nông dân hay ai đó người ta dùng miệng thử như vậy. Còn cơ quan quản lý nhà nước thì không thể chấp nhận được. Không thể đi nếm cái này đi nếm cái kia, tôi không đồng ý vấn đề đó, nếu nói nữa là tôi còn hỏi nữa.

Hà Nhân - Trần Hoàng (ghi)

MỚI - NÓNG