Trước đó, ảnh hưởng của cơn bão số 9 gây mưa to, gió lớn trên nhiều huyện trong Đắk Lắk. Ngày 28/10, mưa gió làm bay nhiều mái tôn, khiến ông Y Bê Niê (trú tại buôn Choá, xã Krông Jing, huyện M’đắk) tử vong. Sau khi động viên, trao quà cho gia đình có người gặp nạn, ông Cường đi thực tế kiểm tra thiệt hại hoa màu của dân do mưa bão.
Kiểm tra các công trình thủy lợi trọng điểm tại huyện Ea Kar, Krông Pắk, ông Cường yêu cầu lãnh đạo địa phương và các đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác hồ, đập đặc biệt chú ý công tác bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Ông cũng nhắc lại vụ vỡ đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana) nhấn chìm hơn 2.000 ha lúa vào mùa mưa năm 2019.
Hoa màu của người dân M'đrắk bị thiệt hại do ảnh hưởng bão số 9
Ông Cường cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải chủ động lên phương án để ứng phó trong mọi tình huống, lưu ý khu vực dễ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Nếu xảy ra tình huống xấu, lực lượng tại chỗ sẵn sàng tham gia di dời, cứu hộ, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Các đơn vị quản lý, khai thác hồ, đập khi xả lũ phải hết sức lưu ý tuân thủ theo quy trình; Thông báo trước cho người dân vùng hạ lưu để kịp thời di dời”.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường kiểm tra hồ thủy lợi
Đắk Lắk hiện có 782 công trình thủy lợi, trong đó 607 hồ, đập chứa nước. Tỉnh này hiện có 91 hồ, đập xuống cấp, hư hỏng, trong đó có 3 hồ đập bị nặng từ mùa mưa lũ năm 2019. Với những hồ đập hư hỏng nhẹ, địa phương ưu tiên bố trí kinh phí sửa; Còn hơn 11 hồ hư hỏng nặng, UBND tỉnh đã trình trung ương xin kinh phí.
Theo Chi Cục Thủy lợi Đắk Lắk, hiện tại, mực nước tại các hồ đập trên địa bàn đã tích đủ nước. Trong mùa mưa bão, UBND tỉnh yêu cầu chủ đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa; chú ý các công trình bị hư hỏng, túc trực 24/24 tại công trình, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du…