Kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý đất của DN sau cổ phần

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc
TPO - Kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị là một trong những nội dung trọng tâm năm 2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 kế hoạch này được triển khai chậm hơn, đến nay mới đang trong quá trình thực hiện.

Chiều 16/9, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Đáng lưu ý là việc kiểm toán quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017 tại Bộ Tài chính, 24 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và một số địa phương.

 Kết quả kiểm toán cho thấy, số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến 31/12/2017 là 112.513 tỷ đồng, song còn tồn tại, thiếu sót như một số địa phương chưa nộp số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của các Tổng công ty trực thuộc UBND tỉnh, thành phố đến 31/12/2017 số tiền 1.544 tỷ đồng. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa xác định đầy đủ các khoản phải nộp về Quỹ; sử dụng Quỹ không đúng quy định.

 Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính thu hồi về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 3.536 tỷ đồng, thu hồi các khoản nợ tồn đọng 1.218 tỷ đồng; đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời và sử dụng hiệu quả Quỹ này.

 Về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc cho biết, đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố.

 Theo Kiểm toán Nhà nước, trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai.

 Bên cạnh đó, sau cổ phần hóa còn tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch. Một số trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất sai quy định; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai còn nhiều tồn tại.

 Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu 577 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 791 tỷ đồng; xử lý, xem xét thu hồi nếu đủ điều kiện theo quy định đối với 3 thửa đất và 7.591.427 m2 đất; kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, tồn tại đã được KTNN chỉ rõ trong các Báo cáo kiểm toán.

Không đấu thầu dự án

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ông Phớc cho biết, năm 2020 Kiểm toán Nhà nước xác định nội dung kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị là một trong những nội dung trọng tâm khi thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động kiểm toán năm 2020 được triển khai chậm hơn so với các năm trước, đến nay nội dung này mới đang trong quá trình thực hiện.

Với kết quả kiểm toán giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, cho thấy, việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế nên phải điều chỉnh nhiều lần; quy hoạch “đất ở không hình thành đơn vị ở” không có trong quy định của Luật Đất đai năm 2013; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Đáng lưu ý, công tác giao đất và xác định giá đất chủ yếu thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nên không xác định được giá thị trường; giao đất không đúng đối tượng hoặc giao đất khi đã có ý kiến chỉ đạo tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư dự án.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toàn Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 5.749,2 tỷ đồng, xử lý khác 6.054,6 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, tồn tại đã được chỉ rõ trong các Báo cáo kiểm toán.

MỚI - NÓNG