Kiểm toán có tiêu cực không?
Là cán bộ đã nghỉ hưu, từng công tác tại một cơ quan thuộc Bộ GTVT, ông Vũ Tiến Dũng (cử tri quận Hải Châu) đặt câu hỏi có tiêu cực trong công tác kiểm toán đối với các dự án BOT giao thông? “Lực lượng kiểm toán về các đơn vị kiểm toán có xảy ra tiêu cực hay không?”, ông Dũng đặt câu hỏi, rồi sau đó trả lời: “Tôi từng làm ở cơ quan của Bộ GTVT cho nên tôi biết và hiểu rất rõ về việc này”.
Ông Nghĩa cho rằng, câu hỏi về độ tin cậy của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán dự án BOT của cử tri quận Hải Châu là “rất chính đáng, rất đúng”, dù rằng đây là cơ quan của Quốc hội. Theo ông Nghĩa, cái chúng ta đang vướng và dẫn đến xảy ra tiêu cực là khả năng giám sát đối với các cơ quan khác nhau. Quốc hội đang đưa ra các cơ chế giám sát, trong đó có cả giám sát đối với kiểm toán.
“Cứ tưởng các ông kiểm toán là chuẩn mực nhất nhưng đôi khi cũng có vai trò cá nhân trong đó. Họ cũng là con người, yếu tố con người thì khó mà tránh khỏi. Nhưng làm sao phải giám sát để không xảy ra sai phạm? Đó là vấn đề không chỉ cử tri quan tâm, mà Quốc hội cũng đã nêu lên”, ông Nghĩa nói. Đồng thời ông cho hay, Quốc hội, Chính phủ đang tập trung đánh giá bất cập của các dự án BOT. Ủy ban Kiểm tra đang có chương trình giám sát tất cả các dự án giao thông, không riêng gì BOT trên Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Trong đó, sẽ chọn những dự án trọng điểm, nếu sai phạm sẽ chuyển Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước làm rõ.
Mua lại dự án BOT, ngân sách không thể chịu nổi
Phát biểu trước cử tri, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ, nhiều dự án rất thành công, nhưng hiện nay nảy sinh bất cập. BOT hiện nay đang làm theo kiểu “ở đâu nóng lên, ồn lên thì giải quyết”. Bất cập lớn nhất của dự án BOT tập trung vào các dự án nâng cấp rồi thu phí. Khi nâng cấp thu phí thì ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân.
Ông Nghĩa cho biết, khi ông làm Bộ trưởng Bộ GTVT, sau khi đánh giá tổng kết đã cho dừng tất cả các dự án BOT trong lĩnh vực mình quản lý. Theo ông, các dự án BOT giao thông mới vẫn nên ủng hộ, nhưng phải trên nguyên tắc minh bạch. Minh bạch về dự án, minh bạch trong đấu thầu chọn chủ đầu tư, minh bạch quá trình đầu tư và quá trình thu phí.
Việc đề nghị mua lại BOT, ông Nghĩa cho rằng: “Ngân sách nhà nước không thể chịu nổi”. Các dự án giao thông BOT thời gian qua huy động cỡ khoảng 92.000 tỷ đồng, nên chỉ có thể tìm cách giải quyết để sao cho hài hòa. Có những dự án rủi ro rất lớn vì nhà đầu tư chỉ bỏ từ 10 - 15% vốn, còn lại vay ngân hàng và thế chấp bằng chính quyền thu phí của dự án. Do đó, ông Nghĩa cảnh báo với tình hình “vỡ trận” dự án BOT như hiện nay , sẽ có câu chuyện nhà đầu tư trả lại dự án cho ngân hàng, nhà nước nếu như lợi ích không hài hòa. “Hiện nay Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT báo cáo đầy đủ và Chính phủ sẽ có quyết sách. Thậm chí có khi vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, phải là Quốc hội”, ông Nghĩa nói.
Nguyên Bộ trưởng GTVT thông báo với các cử tri: vừa qua Quốc hội đã thông qua gói 55 ngàn tỷ để làm các đoạn đường cao tốc trên trục Bắc - Nam bằng hình thức PPP, nhà nước chỉ bỏ vốn 40%. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà đầu tư có dám đầu tư nữa hay không. Đây là câu chuyện và là khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ trung hạn 2016 - 2020.
Chấp thuận giảm mức thu phí qua trạm BOT Quảng Trị
Ngày 13/12, UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thảo luận về việc giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho 2 dự án: Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn TP Đông Hà đến thị xã Quảng Trị và Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 741+170-Km 756+705, tỉnh Quảng Trị (lần 2).
Sau khi thảo luận, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị, Sở GTVT Quảng Trị, Công ty TNHH BOT Quảng Trị đã thống nhất các nội dung về phương án giảm giá. Theo đó, giảm giá vùng lân cận cho các phương tiện của các chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú, các tổ chức doanh nghiệp có trụ sở chính đóng trên địa bàn TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các xã thuộc 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong trong vòng bán kính 10 km, tính từ trạm thu phí. Cụ thể: Các loại xe buýt giảm 100%, các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh giảm 50% và các loại phương tiện khác giảm 40%.
Theo biên bản đàm phán, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các bước về việc miễn, giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện qua Trạm thu phí BOT Quảng Trị, đặt tại Km 763+800 Quốc lộ 1. Kết quả thực hiện gửi về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 25/12.
H.THÀNH