Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng Sêrêpốk cho rằng, hàng ngàn người từ các tỉnh phía Bắc đã DCTD vào các TK 178, 179, 181, 197, 198, lập làng từ đầu những năm 2000, trước khi có quyết định thành lập huyện Đam Rông. Tình trạng phá rừng làm rẫy của những hộ DCTD diễn ra phức tạp, trong khi việc xử lý vi phạm vô cùng khó khăn. Những người DCTD rất manh động, tổ chức đông người để chống đối.
“Có lần, lực lượng kiểm lâm huyện và chủ rừng kiểm tra phát hiện đối tượng đang dùng máy múc san ủi mở đường trái phép với chiều rộng 3,5 m, dài hơn 500 m tại TK 179. Đoàn tiến hành lập biên bản nhưng tài xế máy múc không chịu ký vào biên bản, trong khi đó có khoảng 20-30 người (dân tộc Mông) kéo ra phản ứng và không cho đoàn làm việc”, một cán bộ huyện Đam Rông nói. Một phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lý nói rằng, trong phạm vi toàn tỉnh, đối tượng lấn chiếm đất rừng chủ yếu là hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, một số giải pháp để xử lý nghiêm như cưỡng chế giải tỏa đất xâm canh trong thực tế gặp khó khăn do phải cân nhắc đến tình hình an ninh, trật tự xã hội khu vực miền núi.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn; lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở thường xuyên bị thay đổi; số lượng ít, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn thấp; phương tiện và trang thiết bị hỗ trợ còn thiếu, nên hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng chưa cao. Lực lượng chuyên trách quản lý rừng của các đơn vị chủ rừng cũng còn mỏng.
Ông Nguyễn Trọng Đức, Phó Ban quản lý rừng Sêrêpôk, nói: “Do áp lực công tác quản lý bảo vệ rừng quá lớn, nhất là ở những vùng có cộng đồng dân DCTD sinh sống nên nhiều nhân viên quản lý bảo vệ rừng xin nghỉ việc, chuyển công tác. Đơn vị đang thiếu người mà lại phát sinh thêm nhiều trường hợp xin chuyển, xin nghỉ. Một nhân viên trực tiếp thực hiện quản lý, bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng Sêrêpốk phải đảm nhận 1.200 ha, trong khi luật quy định 700 ha/người”.