Từ những kiến thức học được khi còn theo học ngành bác sĩ thú y ở ĐH Nông Lâm Huế, năm 2011 anh mạnh dạn đầu tư nuôi 70 lợn thịt và 10 lợn nái. Đến nay, sau 5 năm chăn nuôi hiện đàn lợn của anh đã nâng lên từ 150-200 con lợn thịt và 20 con lợn nái, sau khi trừ các khoản chi phí ước tính lợi nhuận hằng năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thời gian đầu nuôi lợn, anh chọn nuôi theo mô hình đệm lót sinh học nhưng không hiệu quả do lợn thường bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và khớp. Số lượng heo trong đàn cũng theo đó mà sụt giảm.
Bên cạnh đó, diện tích chuồng nhỏ lại gần nơi sinh hoạt gia đình nên việc áp dụng đệm lót sinh học có thể gây ảnh hưởng đến đời sống của gia đình anh và hàng xóm. Anh cho biết: “Do nhiều bất lợi trong việc chăn nuôi, áp lực từ phía gia đình và hàng xóm, nhiều lúc tôi cũng nản. Nhưng lỡ vay vốn đầu tư, bao tâm huyết bỏ vào đó không thể cam lòng mà bỏ được”.
Điều anh băn khoăn nhất là việc giải quyết ô nhiễm từ chuồng trại. Sau nhiều lần băn khoăn, anh quyết định thử áp dụng gạch men để lót cho lợn bởi nếu nuôi bằng hình thức này vừa sạch sẽ, dễ dọn dẹp, lại giảm được nhiều loại bệnh tật cho đàn lợn.
Đàn heo trong chuồng lát gạch men phát triển tốt
Nghĩ là làm, anh tiếp tục vay mượn đầu tư gần 20 triệu đồng mua gạch men lót nền cho các chuồng, mỗi ô là 20 mét vuông và xây thêm 3 hầm biogas. Mỗi ngày làm vệ sinh chuồng trại 2 lần nên chuồng trại nhà anh lúc nào cũng sạch sẽ.
“Nhiều người thấy mình lót gạch men nên can ngăn, mọi người cho rằng lót gạch men thì sức đề kháng của lợn yếu và móng lợn bám vào gạch không chắc dễ gây trợt ngã, gãy chân. Tôi cũng nghĩ đến vấn đề đó, nhưng ý mình đã quyết rồi nên vẫn tiếp tục làm.
Sau nhiều năm nuôi lợn trên nền gạch men, lợn ít bệnh, tăng trưởng nhanh lại sạch sẽ, thoáng mát còn tai nạn thì chỉ ban đầu thôi bây giờ mọi chuyện đều ổan thỏa. Còn lợn nái thì chúng tôi nuôi bằng chuồng bê tông để tránh trường hợp sảy thai”, anh Phẩm cho biết thêm.
Một ngày, đối với lợn nhỏ anh cho ăn 2kg bột/con, đối với lợn trên 20kg, anh cho ăn 5kg bột/con. Nếu nuôi theo kiểu truyền thống hoặc bằng đệm lót sinh học thì phải 5-6 tháng mới được xuất chuồng. Nhưng khi nuôi bằng gạch men không những lợn ít bệnh tật mà còn ăn khỏe, chỉ cần khoảng 3 tháng là có thể xuất chuồng. Thời gian được rút ngắn, nên anh Phẩm có thể tranh thủ xuất được hơn 3 lứa mỗi năm. Sau mỗi lần xuất chuồng, anh đều cho tổng dọn vệ sinh và đầu tư mua thêm lợn.
Chuồng nuôi heo của anh Phẩm được lát gạch men mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi
Lợn được nhập chủ yếu là giống lợn ngoại vì ưu điểm là lợn nhanh lớn, giá cả thị trường ổn định, bán nhanh hơn lợn địa phương. Khâu vệ sinh chuồng trại luôn được anh chú trọng, thường xuyên kiểm tra, tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ nên dù nơi nào xảy ra dịch bệnh riêng chuồng trại nhà Phẩm lợn luôn khỏe mạnh và cho năng suất cao.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quang - Phó Ban nông nghiệp xã Duy nghĩa cho biết: “Việc chăn nuôi lợn bằng gạch men của anh Phẩm đã mang lại hiệu quả, năng suất cao, còn đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ những kết quả đạt được trong chăn nuôi của hộ anh Phẩm, hiện cũng có một số hộ học hỏi làm theo, chúng tôi cũng sẽ khuyến khích thêm nhiều người dân áp dụng theo mô hình này để nuôi lợn đạt năng suất cao, giảm thiểu bệnh tật”.